Xây dựng xã hội học tập từ những công dân học tập

04:06, 27/07/2022

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và của tỉnh, triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” theo Kế hoạch số 104 ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh, cùng với tiếp tục thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” (Chương trình 387), các cấp hội khuyến học trong tỉnh tích cực hưởng ứng Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập” (Chương trình 677) giai đoạn 2021-2030. Đây là mô hình mới, được Chính phủ phê duyệt và giao cho các cấp hội khuyến học phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Hướng tới xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới, hội khuyến học các cấp trong cả nước đã triển khai thực hiện thành công giai đoạn I (2014-2020) các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, được xã hội đánh giá cao.

Với Thái Nguyên, tính đến hết năm 2020, số Gia đình học tập đã được công nhận là 293.862/340.513, tương đương 86,3%; số Dòng họ học tập đã được công nhận là 1.253/1.461, tương đương 85,76%; số Cộng đồng học tập đã được công nhận là 2.930/3.032, tương đương 96,63%; số Đơn vị học tập (cấp xã, phường) đã được công nhận là 918/947, tương đương 96,93%. Cả 4 mô hình trên đều đã vượt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập”, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn 3 đơn vị cấp huyện, mỗi huyện lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để thí điểm xây dựng mô hình.

Các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn về bộ tiêu chí, cách đánh giá, chấm điểm công dân học tập để cán bộ, hội viên khuyến học các địa phương nắm được; cổ vũ, động viên những đơn vị và gia đình tham gia thí điểm.

Kết quả: 569 công dân tham gia thí điểm ở cả 3 đơn vị cấp huyện đều đạt danh hiệu “Công dân học tập” với điểm trung bình dành cho mỗi công dân là 88,5/100đ.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị và cá nhân tham gia thực hiện thí điểm đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên vẫn bộc lộ những khó khăn như: Việc chọn các gia đình tham gia thí điểm còn giới hạn vì lo không đạt được do các tiêu chí ban đầu hơi khó hiểu và khó thực hiện; việc tập huấn chưa thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; đa số các đơn vị tự nghiên cứu tài liệu để triển khai.

Cùng với đó, việc triển khai đôi khi còn chưa nhất quán, biểu chấm điểm có một số từ ngữ khó hiểu nên việc công dân thu thập minh chứng tự chấm điểm còn gặp lúng túng. Nhân sự và kinh phí, cơ sở vật chất của các cấp hội còn rất hạn hẹp…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, thời gian qua, hội khuyến học các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện 5 mô hình học tập theo Chương trình 387 và Chương trình 677.

Việc tập huấn thực hiện cụ thể đã và đang được tiến hành đồng loạt ở tất cả các cấp hội khuyến học, phấn đấu đến cuối năm 2022, chúng ta sẽ triển khai đánh giá các mô hình học tập theo bộ tiêu chí mới.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh cho biết: So với kết quả đạt được của giai đoạn trước, chỉ tiêu phấn đấu xây dựng các mô hình học tập đợt này chúng ta phải điều chỉnh xuống một chút để phù hợp với các tiêu chí trong giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn, đặc biệt là việc đưa các tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số vào bộ tiêu chí của các mô hình học tập.

Xây dựng mô hình “Công dân học tập” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng xã hội học tập. Mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị học tập đến cấp huyện, tỉnh, thành phố và lớn hơn là quốc gia học tập đều phải bắt đầu từ mỗi công dân.

Việc học tập sẽ mang đến cho người học những lợi ích và cơ hội phát triển tiềm năng, làm cho con người được sống với chính những phẩm giá của mình. Chúng ta hãy xuất phát từ thực tế trong xã hội để định hướng những giá trị cần thiết cho nhân cách của “Công dân học tập” trong những năm sắp tới với những phẩm chất, năng lực mong muốn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số thì việc học tập của mọi người dân ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ và loại hình đa phương tiện như máy vi tính, máy tính bảng, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh…, mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận với nguồn học liệu mở, thông tin kiến thức đa chiều, phong phú, luôn được bổ sung, cập nhật mới và đặc biệt là có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học từ xa. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành nên những công dân học tập toàn cầu, công dân số.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở chúng ta: “… Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ, biết hết rồi”; “ Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, và Người mong muốn “Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người còn chỉ ra cách học: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân, không học ở nhân dân là một điều thiếu sót lớn”.

Triết lý học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Học không bao giờ cùng”. Sự học phải bền bỉ trong suốt cuộc đời. Học để mà làm và khi làm có học, học không có mục đích tự thân, mà học vì sự phát triển, sự tiến bộ của người, của loài người. Người căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến độ mãi, càng tiến bộ càng thấy phải học thêm”.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ, hội khuyến học các cấp cùng toàn thể cán bộ, hội viên cùng nhau quyết tâm thi đua tập trung thực hiện tốt 5 mô hình: “Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” và “Công dân học tập”, góp phần thiết thực vào xây dựng xã hội học tập, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025: Gia đình học tập đạt 70%; Dòng họ học tập đạt 65%; Cộng đồng học tập đạt 65%; Đơn vị học tập đạt 80%; Cộng đồng học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt 40%; Cộng đồng học tập trong đơn vị các cấp đạt 60%; Cộng đồng học tập cấp xã (đạt 13-15 tiêu chí theo Thông tư 44) 65%; Tỷ lệ cán bộ và hội viên được tập huấn đạt 100%.