Các sinh viên chọn chuyên ngành Hán Nôm được xem là những người “không màng vật chất”, mang tình yêu mãnh liệt đối với di sản của dân tộc.
Cơ sở để tham chiếu về quá khứ
Chia sẻ lý do chọn ngành đi ngược số đông, các sinh viên cho hay họ đều đam mê tìm hiểu thư tịch và văn hóa cổ xưa. Phạm Hoàng Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Từ bé, tôi đã thích những thứ cổ xưa, văn hóa VN và châu Á. Tôi chọn chuyên ngành Hán Nôm vì nghĩ đây là cách tiếp cận sâu sắc nhất với văn hóa truyền thống”, Hoàng Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Lê Trọng Phúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng người học và nhà nghiên cứu Hán Nôm rất vinh dự khi được đóng vai trò cầu nối giữa truyền thống và đương đại vì có thể phân tích, diễn giải văn tự cổ hoặc thư tịch. “Chẳng hạn, nếu không nghiên cứu Hán Nôm thì chúng ta sẽ không có cơ sở để tham chiếu về quá khứ, dẫn tới sự đứt gãy của văn hóa. Làm sao chúng ta có thể tự hào về Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Hịch tướng sĩ), trong khi chỉ đọc bản dịch mà không đọc và hiểu nguyên văn”, Phúc chia sẻ.
Bên cạnh đó, điều thú vị nhất của chuyên ngành Hán Nôm là giúp người học nhìn lại những nét văn hóa dân tộc một cách sâu sắc hơn. Nữ sinh viên Hoàng Anh chia sẻ: “Mỗi lần vào những cơ sở thờ tự, tôi luôn cố gắng đọc và hiểu những câu đố, hoành phi. Những kiến thức Hán Nôm mang đến cho tôi trải nghiệm thú vị, làm giàu vốn sống”.
Học Hán Nôm để “bốc bia mộ”, viết câu đối?
Các sinh viên chuyên ngành Hán Nôm thường phải đối mặt những định kiến và sự hiểu lầm của nhiều người như: Hán Nôm là học về Trung Quốc; học Hán Nôm chỉ để “bốc bia mộ”, viết câu đối cho đền, chùa…
Trước những hiểu lầm này, Nguyễn Thanh Lộc (23 tuổi, phụ trách bộ môn tiếng Trung tại Trường CĐ Văn Lang Sài Gòn) cho hay anh thường cố gắng giải thích. Lộc nói: “Ngành Hán Nôm giúp tôi giải thích các hoành phi, câu đối ít ai hiểu được, đồng thời giúp tôi thỏa mãn đam mê tìm hiểu lịch sử VN và Trung Quốc qua việc chạm tay trực tiếp vào những văn bản cổ như sắc phong, gia phả, chế phong, cáo biểu…”.
Bên cạnh đó, Lộc chia sẻ các văn bản cổ đang bị hư hại nhưng chưa có nhiều người đủ năng lực để sửa chữa, phục hồi và “nếu dân Hán Nôm không làm thì không ai làm”.
Tham gia giảng dạy chuyên ngành Hán Nôm tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tiến sĩ Hồ Minh Quang, Trưởng Khoa Đông phương học, kiêm Trưởng bộ môn Trung Quốc học, nhận thấy những sinh viên học ngành Hán Nôm đa phần không màng vật chất, dành một tình yêu rất mãnh liệt đối với di sản Hán Nôm của dân tộc và tri thức mà tiền nhân đã để lại. “Họ đã vượt qua những lời khuyên định hướng kinh tế, xu hướng chọn nghề hot và quyết đoán trong chọn lựa ngành Hán Nôm”, ông Quang chia sẻ.
Tiến sĩ Quang kể một số sinh viên của ông từng suýt bị từ chối vào Đền thờ Khu tưởng niệm các vua Hùng khi đem các tác phẩm thư pháp Hán Nôm với nội dung như “Thiên đô chiếu”, “Nam quốc sơn hà”… vì bị nhân viên quản lý lầm tưởng đó là “đồ Trung Quốc”. Thầy còn đau lòng khi thấy một số câu đối Hán Nôm của tiền nhân để lại treo ở nhiều miếu, đình, trường học, nhà bảo tàng… đã bị gỡ bỏ hoặc thay thế.
Cơ hội nghề nghiệp nào cho người học Hán Nôm?
Không ít sinh viên kiên định theo ngành Hán Nôm vẫn phải lo ngại về nguy cơ khó tìm việc làm hoặc phải làm việc trái ngành sau khi tốt nghiệp. Dù vậy, Trương Lư Bác Kim Điền (23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing) chia sẻ anh làm trái ngành nhưng công việc ổn định và chuyên ngành Hán Nôm thật sự đã dạy bản thân cách làm người, giúp rèn luyện được thái độ tốt, dễ dàng hòa nhập với môi trường doanh nghiệp.
Trước mối lo ngại trên, thạc sĩ Nguyễn Văn Hoài (giảng viên chính bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trưởng Phòng Nghiên cứu Hán Nôm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết sinh viên sau khi ra trường có thể làm tốt những công việc như nghiên cứu, bảo tồn di sản Hán Nôm, học nâng cao để giảng dạy hoặc xin học bổng du học ở Đài Loan và Trung Quốc.
“Các bạn có thể xin đi làm ở các công ty sử dụng tiếng Trung vì ngành Hán Nôm đào tạo song song tiếng Hán cổ, chữ Nôm và tiếng Hán hiện đại. Tôi hy vọng sẽ có một thế hệ kế tục, tâm huyết với Hán Nôm, có trình độ ngoại ngữ vững vàng. Từ đó, các bạn có thể phát huy những giá trị quý báu của di sản Hán Nôm, đánh dấu bản sắc của dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới”, thầy Hoài chia sẻ.
Theo thạc sĩ Hoài, các khóa từ năm 2015 về trước, mỗi năm có khoảng 20 - 30 sinh viên đăng ký. Trong những năm gần đây số lượng giảm xuống, mỗi lớp còn khoảng 10 - 15 người.