Chung tay xây dựng xã hội học tập

Hằng Nga 10:04, 29/09/2022

Hướng tới xây dựng một xã hội mà trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập, thời gian qua cấp ủy, chính quyền, hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình xã hội học tập. Đây là nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên khen thưởng những học sinh giỏi, đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi năm học 2021-2022 (ảnh Hoài Anh).
Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên khen thưởng những học sinh giỏi, đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi năm học 2021-2022 (ảnh Hoài Anh).

Vào cuộc với tinh thần tự nguyện

Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn nhất quán chủ trương quan tâm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập.

Công tác KHKT đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần tự nguyện, nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học của quê hương; tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm công tác giáo dục.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về KHKT, xây dựng xã hội học tập. Qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong xây dựng các mô hình học tập, xây dựng quỹ khuyến học.

Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh có 91% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 90% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 98% cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” và 98% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Tỷ lệ này là rất cao so với mặt bằng chung toàn quốc.

Ngoài quan tâm thông qua các chính sách, huy động mọi nguồn lực để xây dựng xã hội học tập, các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ tinh thần giảng dạy, học tập của các em HS. Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh (HS) giỏi quốc gia năm học 2021-2022, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến Trường THPT Chuyên Thái Nguyên để gặp mặt, biểu dương, tặng quà cho các em HS đạt giải cao. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao nỗ lực và thành tích của các HS, đồng thời khẳng định đây là kết quả quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, từ đó tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần học tập, sáng tạo trong HS.

Em Trần Minh Đức giành giải Nhất trong kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia môn Sinh học nói: Bác Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện cùng các thầy cô và chúng cháu rất tình cảm. Ngoài động viên, tặng quà, bác còn khích lệ tinh thần, không riêng cháu mà các bạn đều rất vui và có thêm động lực để đạt kết quả cao hơn trong học tập.

Các trường học trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng thư viện, trang bị các đầu sách để giáo viên và học sinh có cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi.
Các trường học trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng thư viện, trang bị các đầu sách để giáo viên và học sinh có cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi.

Sáng tạo trong cách làm

Nhiều năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác xây dựng quỹ khuyến học và chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em đến trường - Vì em hiếu học”. Chương trình được tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ HS nghèo vượt khó, HS khuyết tật vươn lên, đỡ đầu HS giỏi thành tài.

Tại chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp bước em tới trường - Vì em hiếu học” năm 2022, Ban Tổ chức đã trao 380 suất học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) tặng HS có hoàn cảnh khó khăn, HS là con gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị học bổng là 760 triệu đồng.

Qua 9 năm thực hiện, Chương trình đã trao tặng học bổng cho 406.737 lượt học HS có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng. Chương trình mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, được nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.

Phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai các mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập”, hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh đang xây dựng mô hình “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.

Thành công của mô hình sẽ tác động hiệu quả đến quá trình xây dựng xã hội học tập. Hội Khuyến học tỉnh lựa chọn 3 địa phương là TP. Sông Công, huyện Đồng Hỷ và Định Hóa để triển khai thí điểm. Mỗi địa phương lựa chọn 2 đơn vị cấp xã và 10 hộ gia đình để xây dựng mô hình “Công dân học tập”.

Để mô hình đạt hiệu quả như mong đợi, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai tập huấn về bộ tiêu chí, cách đánh giá, chấm điểm công dân học tập để cán bộ, hội viên các địa phương nắm được; cổ vũ, động viên những đơn vị và gia đình tham gia thí điểm. Kết quả có 569 công dân tham gia thí điểm ở 3 đơn vị cấp huyện đều đạt danh hiệu “Công dân học tập” với điểm trung bình dành cho mỗi công dân là 88,5/100 điểm.

Từ thành công của việc thí điểm, hiện nay hội khuyến học các cấp đang tích cực triển khai trong toàn tỉnh. Bà Lê Thị Lan, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, cho hay: Chúng tôi phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, cán bộ văn hóa - xã hội của phường để làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn cho tất cả cán bộ, hội viên nắm được họ tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng dân cư.

Còn tại huyện Định Hóa, theo ông Ma Đình Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện: Cán bộ khuyến học bám sát cơ sở để kết hợp làm công tác truyền thông đến từng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Chúng tôi sẽ đưa vào chỉ tiêu thi đua để tạo sự “ganh đua” giữa các đơn vị, địa phương.

Với những cách làm sáng tạo, Thái Nguyên được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Giờ đây, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, dòng họ đến tế bào nhỏ nhất của xã hội là các gia đình đã có những việc làm hiệu quả để mọi cá nhân có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập. Việc xây dựng xã hội học tập không chỉ góp phần nâng cao dân trí, làm giảm các tệ nạn xã hội, mà còn giúp cho tình làng, nghĩa xóm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn.