Kiểm định giáo dục đại học: Không chỉ để nâng chuẩn

Hằng Nga 09:07, 10/12/2022

Kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục đại học. Để nâng cao chất lượng đào tạo hội nhập khu vực ASEAN, những năm gần đây, các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tăng cường công tác khảo thí, đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) gắn với khung trình độ quốc gia và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Năm học 2021-2022, Khoa Quốc tế đã đạt chứng nhận AUN-QA đối với chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế.
Năm học 2021-2022, Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) đã đạt chứng nhận AUN-QA đối với chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế.

Hiện nay, các trường thành viên đều sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong công tác khảo thí như: Quản lý ngân hàng đề thi, câu hỏi thi; quản lý điểm thi, trộn đề, phách... Ở nhiều đơn vị như: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Y - Dược, Khoa Quốc tế, Trung tâm đào tạo từ xa, 100% số học phần có ngân hàng đề thi, câu hỏi thi. Riêng hệ đào tạo đại học, cao đẳng chính quy có 3.690/4.075 học phần, câu hỏi có ngân hàng đề thi, câu hỏi thi (chiếm 90,55%).

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đánh giá, các trường thành viên thuộc ĐHTN còn thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người học. Đơn cử như năm học 2021-2022, các cơ sở đào tạo đã lấy 175.989 lượt ý kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên và dựa trên kết quả thu được để triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng. Qua khảo sát cho thấy, có trên 80% số người học hài lòng về hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Cùng với nâng cao chất lượng kiểm tra, các khoa, trường, trung tâm còn chủ động tự đánh giá cơ sở giáo dục và CTĐT theo một số bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong và ngoài nước. Điển hình như Trường Đại học Nông lâm có số lượng CTĐT được công nhận đạt chuẩn chất lượng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) cao nhất, với 6 chương trình.

Theo TS. Nguyễn Chí Hiểu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm: Khẩu hiệu của Nhà trường là “Cùng bạn ra thế giới”. Bởi vậy, việc xây dựng, kiểm định các CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA chính là giải pháp mà Trường hướng tới để đào tạo các lớp sinh viên hội nhập quốc tế. Từ bài học kinh nghiệm năm 2021 kiểm định 3 CTĐT (là: Chăn nuôi thú y, Thú y, Công nghệ thực phẩm), năm 2022, Nhà trường tiếp tục kiểm định trực tuyến 3 CTĐT gồm: Quản lý đất đai, Khoa học cây trồng và Quản lý tài nguyên rừng.

Thời điểm kiểm định 3 CTĐT của Trường Đại học Nông lâm vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Đoàn đánh giá không trực tiếp đến Việt Nam để kiểm chứng các tài liệu, phỏng vấn và tham quan thực tế.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thúy Hà, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Trường Đại học Nông lâm: Để việc đánh giá trực tuyến hiệu quả, phòng Quản lý chất lượng đã phối hợp với các khoa có CTĐT xây dựng báo cáo tự đánh giá, chuẩn bị hồ sơ, minh chứng, phỏng vấn những đối tượng liên quan và livestream về cơ sở vật chất để Đoàn đánh giá tìm ra điểm mạnh, điểm tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. Với sự nỗ lực của các khoa, 3 CTĐT đã được kiểm định chất lượng và được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn AUN-QA.

Ngoài tăng cường kiểm định các CTĐT, thời gian qua, các trường thành viên của ĐHTN đã hoàn thiện báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục đại học để thực hiện chu kỳ tiếp theo. Hiện nay, có 2 trường đã được ĐHTN đánh giá đồng cấp là Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Y - Dược. Trường Đại học Nông lâm được xếp lịch đánh giá đồng cấp vào đầu tháng 12/2022. Trường Đại học Sư phạm đã được xếp lịch đánh giá ngoài vào tháng 12/2022. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được xếp lịch đánh giá ngoài vào tháng 1/2023. Về đánh giá CTĐT năm 2022, đã có 4 CTĐT được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA; 22 CTĐT đã được đánh giá ngoài, đang chờ kết quả.

Thực tế cho thấy, đánh giá CTĐT, cơ sở giáo dục đại học là dịp để các nhà trường nhìn nhận, rà soát những điểm mạnh, điểm yếu trong phương pháp và hoạt động dạy học. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo trong tương lai gần.

Trao đổi cùng chúng tôi, PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc ĐHTN, đánh giá: Việc triển khai đánh giá theo AUN-QA là một trong những giải pháp được ĐHTN áp dụng nhằm khẳng định chất lượng hội nhập khu vực ASEAN. Không những vậy, các CTĐT được đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA, tiêu chuẩn nghề nghiệp; đối sánh với các chương trình tiên tiến trong và ngoài nước. ĐHTN khuyến khích các đơn vị thành viên xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định các CTĐT, bảo đảm chất lượng bên trong, bên ngoài và từng bước kiểm định theo những tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ngoài tổ chức đánh giá các CTĐT, nhiều trường thuộc ĐHTN còn đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đến nay, đã có 37 CTĐT thuộc 5 trường: Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Đại học Nông lâm; Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; Đại học Khoa học và Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai thực hiện đánh giá với sinh viên tốt nghiệp năm 2022. Căn cứ kết quả đánh giá, ý kiến phản hồi của các bên liên quan các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng theo nhu cầu của xã hội.

AUN-QA là mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của AUN, được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.