Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét chính sách phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ giáo viên ở vùng khó khăn. |
Theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, chỉ có giáo viên giảng dạy tại các điểm trường lẻ ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ; còn giáo viên dạy tại các điểm trường chính chưa có trong quy định này. Thời gian qua, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung đối tượng này vào Nghị định, vì giáo viên giảng dạy tại các điểm trường chính cũng nằm trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: Giáo viên mầm non dạy ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép và trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ.
Tuy nhiên, so với các điểm trường chính, tại các điểm trường lẻ (điều kiện địa lý khó khăn, đường xá hiểm trở, cách biệt, cơ sở vật chất thiếu thốn), giáo viên gặp vất vả hơn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ. Tại các điểm trường lẻ cũng có nhiều trẻ em là người dân tộc thiểu số cần được tăng cường tiếng Việt và hỗ trợ việc chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi...
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Chính phủ mới chỉ phê duyệt cho đối tượng giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt hoặc dạy lớp ghép tại các điểm lẻ được hưởng chế độ hỗ trợ. Giáo viên tại các điểm chính chưa được hưởng chế độ hỗ trợ này. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non nói chung và ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục ghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin