Ngày 25-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. |
Theo đại diện ban soạn thảo, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí (mức trần, mức sàn) theo lộ trình điều chỉnh không quá 7,5%/năm từ năm học 2022-2023 để bù đắp độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng và dự kiến cơ bản tính đủ chi phí vào năm 2030. Các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026-2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó quy định giữ ổn định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ đề xuất không quy định mức sàn học phí vì hiện nay có nhiều địa phương (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Kiên Giang...) đang quy định thấp hơn mức sàn tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2 triệu học sinh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cơ bản đồng thuận với nội dung đề xuất trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề xuất sớm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành để kịp áp dụng từ năm học 2023-2024.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng giao Vụ Kế hoạch - Tài chính làm đầu mối tiếp tục ghi nhận ý kiến góp ý từ các bộ, ngành và đơn vị để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin