Lâu nay, Trường Phổ thông cơ sở dân lập (PTCSDL) Nguyễn Trãi, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) đã trở thành "mái nhà thứ hai" đối với nhiều trẻ em khuyết tật. Ở đây, ngoài việc học chữ, các em còn được thầy, cô giáo ân cần dạy bảo các kỹ năng sống, được học hát, học vẽ và bao bọc, yêu thương như bao bạn bè cùng trang lứa.
Giờ học vẽ của các em học sinh Trường PTCSDL Nguyễn Trãi. |
Đã nhiều năm trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Sáng, ở TP. Thái Nguyên, vẫn nhớ như in về ngày đầu tiên đưa con đến xin học tại Trường PTCSDL Nguyễn Trãi.
Anh Sáng kể lại: Khi đến gặp thầy Hiệu trưởng, cháu nhà tôi tỏ vẻ chống đối và ném balo về phía thầy. Lúc đó tôi cũng rất lo lắng, vì con nghịch ngợm như vậy, không biết Nhà trường có tiếp nhận hay không? Khi con đã vào học, tôi lại lo không biết cháu có nhận thức được không và Nhà trường có đảm bảo an toàn cho các cháu? Thật bất ngờ, sau vài tuần đến lớp, từ chỗ phát âm chưa sõi, cháu đã biết nói câu dài, biết đọc, biết viết. Mặc dù chữ viết chưa thẳng hàng lối, nhưng đó là niềm vui lớn đối với cả gia đình tôi.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Nga, ở TP. Thái Nguyên, luôn cảm thấy rất may mắn khi gửi gắm con tại Trường PTCSDL Nguyễn Trãi. Bởi sau quá trình học tập, cháu Nguyễn Trung Kiên đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Chị Nga chia sẻ: Ngày đầu tiên đến trường, con tôi còn chưa thể nói một câu hoàn chỉnh, phải có 3 cô giáo giữ để cho cháu không chạy nhảy và chịu ngồi yên một chỗ học bài. Thế nhưng, sau 5 năm theo học tại trường, Kiên đã hoàn thành chương trình Tiểu học. Cháu đã thi đạt tiêu chuẩn vào lớp 6, Trường Tiểu học, THCS & THPT IRIS. Kết quả này vượt xa mong ước của cả gia đình tôi.
Nằm ở trung tâm TP. Thái Nguyên, với diện tích hơn 7.000m2, Trường PTCSDL Nguyễn Trãi có đầy đủ các thiết bị dạy học, sân chơi, nhà tập thể thao rộng rãi; khuôn viên thoáng đãng với hệ thống cây bóng mát, bồn hoa, cây cảnh. Nhà trường hiện có 5 giáo viên, nhân viên; với gần 30 học sinh đang theo học.
Các em theo học tại đây đa phần là trẻ khuyết tật như: tự kỷ, tăng động, down, chậm phát triển trí tuệ… nên nhiều khi không kiểm soát được cảm xúc và hành vi. Để dạy dỗ, kèm cặp một bạn nhỏ bình thường đã vất vả, nhưng dạy những bạn khuyết tật càng vất vả bội phần.
Cô Ma Thị Quyên, giáo viên Nhà trường, bày tỏ: Nhiều bạn trí tuệ chậm phát triển, bài học hôm nay có thể nhớ nhưng ngày mai đã quên sạch. Hoặc có bạn chưa biết nói, có bạn lại vận động kém nên để cầm được cây bút viết cũng phải kiên trì rèn luyện cả tháng trời.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn nói thêm: Việc chế biến các món ăn cũng phải điều chỉnh để phù hợp với sở thích của từng bạn. Chính vì vậy, thầy cô đang công tác tại trường cũng là những người có tính kiên trì, nhẫn nại và bao dung.
Nhìn gương mặt phúc hậu và ánh mắt trìu mến của các cô Ma Thị Quyên, Nguyễn Thị Nhàn khi chăm sóc, dạy dỗ những học sinh khuyết tật, phụ huynh nào cũng cảm thấy ấm lòng.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Quyên đã có 9 năm gắn bó với Trường PTCSDL Nguyễn Trãi. Chỉ cần nghe tiếng bước chân lên cầu thang, cô đã biết học sinh nào đang đến lớp. Thói quen hay cách “ăn vạ” của từng bạn, cô cũng đều nắm rõ.
Cô Quyên tâm sự: Mỗi bạn nhỏ có nhận thức cũng như tình trạng sức khỏe khác nhau, nên giáo án và phương pháp truyền đạt với mỗi bạn cũng riêng biệt. Không chỉ dạy chữ, chúng tôi còn dạy cách phát âm, cách cầm thìa tự xúc cơm ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh, gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, bỏ rác đúng nơi quy định… để các con có khả năng tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi tiến bộ nhỏ của các con chính là niềm hạnh phúc lớn lao của thầy cô.
Đáp lại tình yêu thương của các thầy cô, nhiều em học sinh luôn nỗ lực để tiến bộ từng ngày. Khi mới nhập trường, nhiều bạn còn chưa biết nói hoặc luôn trong trạng thái dễ “nổi loạn”, cáu gắt thì giờ đã trở nên lanh lợi, biết đọc, biết viết hay làm phép toán cộng, trừ. Nhiều em đã hoàn thành chương trình Tiểu học và chuyển sang học THCS tại các trường công lập.
Anh Nguyễn Tiến Sức, Hội trưởng Hội phụ huynh Trường PTCSDL Nguyễn Trãi, bộc bạch: Các thầy cô luôn tận tâm, sử dụng nhiều phương pháp giáo dục chuyên biệt, giúp các cháu tiến bộ, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thụy, quản lý Trường PTCSDL Nguyễn Trãi: Khác với những ngôi trường khác, giáo viên, nhân viên Trường PTCSDL Nguyễn Trãi hầu như không có nghỉ hè. Bởi, đa phần phụ huynh vẫn gửi con cả hè vì không có người trông coi. Ngoài học chữ, chúng tôi còn mở thêm các lớp học âm nhạc, cờ vua, học vẽ… để khuyến khích các em phát huy năng khiếu. Nhà trường cũng thấu hiểu và chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của phụ huynh nên dù chi phí vận hành tăng, nhưng nhiều năm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên mức học phí.
Đặc biệt, vào các dịp khai giảng, Tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Nhà trường đều tổ chức liên hoan và tặng quà cho các em nhằm tạo không khí vui vẻ, đầm ấm, tràn đầy tình yêu thương. Hàng năm, Nhà trường cũng bố trí kinh phí, cử giáo viên tham dự các lớp tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn trong giáo dục trẻ em thiệt thòi...
Mùa tựu trường đã đến. Nhìn những bạn nhỏ hồn nhiên, vui vẻ khoác ba lô bước vào lớp học, không quên nhoẻn miệng cười chào thầy cô, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Chúng tôi cũng tin rằng, với tình yêu thương, sự quan tâm của Nhà trường cùng gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho nhiều trẻ em khuyết tật nỗ lực vươn lên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin