Ngành Sư phạm có cơ hội việc làm rất cao, lại đang thiếu nhân lực trầm trọng

Theo Dân Việt 19:51, 01/04/2024

Ngành Sư phạm là một ngành học đang thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2024. Theo chuyên gia, ngành học này có cơ hội việc làm rất cao, hiện đang thiếu nhân lực. 

Học Sư phạm ra làm gì?

Tại cuộc "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội" tổ chức mới đây, những học sinh trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội bày tỏ sự quan tâm tới ngành Sư phạm cũng như cơ hội việc làm của ngành này.

TS Phạm Văn Tư, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (gồm các ngành Sư phạm và ngoài Sư phạm) năm 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 96,1%.

Theo TS Tư, vị trí việc làm của ngành Sư phạm vô cùng đa dạng, có thể là giảng viên các trường đại học có ngành Sư phạm/hoặc ngoài Sư phạm, hoặc là giáo viên phổ thông, hoặc làm các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục và cuối cùng là làm trong các tổ chức về chính trị xã hội.

"Các em vào trang web các trường để tham khảo, tìm hiểu về các khoa, các ngành của trường Sư phạm sẽ thấy cơ hội việc làm vượt xa khỏi suy nghĩ các em. Bởi có nhiều ngành nghề mới và cơ hội việc làm vô cùng rộng mở giúp cho các em thực hiện đúng, theo đuổi được nghề mình thích, có sở trường và đặc biệt là có đầu ra dựa trên ngành nghề mình lựa chọn", TS Tư nói.

Nhiều trường trên địa bàn quận 12, TP.HCM hiện thiếu giáo viên các môn chuyên như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ, và hầu như không tuyển dụng được. Ảnh minh họa: M.Quỳnh
Nhiều trường trên địa bàn quận 12, TP.HCM hiện thiếu giáo viên các môn chuyên như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Công nghệ, và hầu như không tuyển dụng được. Ảnh minh họa: M.Quỳnh

Học ngành Sư phạm, khả năng có việc làm rất cao

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) chia sẻ thêm, hiện nay, các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định về việc hỗ trợ cho sinh viên học Sư phạm.

"Thứ nhất, đối với những ngành khác, các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo nhưng riêng ngành Sư phạm các trường phải thực hiện chỉ tiêu do Bộ GDĐT đặt ra, căn cứ vào 2 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là nhu cầu sử dụng của các địa phương, thứ hai là năng lực đào tạo của các trường.

Câu chuyện việc làm của ngành Sư phạm tới đây rất sát với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như Hà Nội 4 năm nữa cần những ngành gì, bao nhiêu... thì TP.Hà Nội báo cáo về Bộ GDĐT 4 năm nữa cần đội ngũ như vậy. Trên cơ sở từ 63 tỉnh, thành báo cáo về, Bộ GDĐT mới giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Như vậy khả năng có việc làm của sinh viên Sư phạm là rất cao vì chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu sử dụng của các địa phương.

Thứ hai, hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước nhưng riêng ngành Sư phạm thì không giảm.

Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã giao 63 tỉnh, thành phố gần 60.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026, để các em thấy nhu cầu sử dụng nhân lực ngành đào tạo giáo viên khác với các ngành đào tạo khác".

Theo TS Nghệ, Nghị định 116 cũng quy định học sinh đã trúng tuyển vào học Sư phạm mà có nhu cầu, sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

TS Nghệ nói thêm: "Thứ nhất là học sinh không phải lo học phí. Thứ hai, mỗi tháng, sinh viên Sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chi trả sinh hoạt phí. Giáo viên mới tốt nghiệp ra trường hiện nay cũng không được số tiền lương như vậy trong khi các em đi học đã được hưởng mức như vậy. Vào trường không phải đóng học phí, được nhận tiền hỗ trợ, ra trường lại có khả năng có việc làm cao vì chỉ tiêu đào tạo các trường sát với thực tế".

Ông Nghệ cũng lưu ý, sau khi ra trường, các em phải làm trong ngành giáo dục. "Nếu các em không làm trong ngành giáo dục, thì phải trả lại tiền Nhà nước đã cấp mỗi tháng, học trong 4 năm thì thời gian làm trong ngành phải ít nhất 4 năm. Đấy là những cái rất ưu ái cho ngành Sư phạm", Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ thêm.

Cũng theo TS Nghệ, hiện nay nhiều địa phương, nhiều trường phổ thông báo cáo về Bộ GDĐT rất muốn tuyển giáo viên phổ thông ngành Sư phạm Âm nhạc hoặc Sư phạm nghệ thuật, Tin học, Tiếng Anh, nhưng không có người để tuyển. Thậm chí Bộ GDĐT đang phải dự thảo một Nghị quyết trình Chính phủ là cho phép các trường phổ thông có thể tuyển cả trình độ cao đẳng, vì trình độ đại học đang thiếu. Ví dụ các trường THPT tuyển 100 người nhưng chỉ có 10 người đăng ký.

Thiếu hàng chục nghìn giáo viên một số môn, Bộ GDĐT đề xuất tuyển người có trình độ cao đẳng

Theo dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội mới đây của Bộ GDĐT đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.108.

Tuy nhiên, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử- Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Công nghệ, tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, Bộ GDĐT đề xuất tuyển dụng người có trình độ cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn trên.

Trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, thời gian qua, Bộ GDĐT cho biết, đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa thiếu giáo viên và đề xuất chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026.

Dự tính, số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành để dạy các môn học đề xuất tại dự thảo Nghị quyết (nếu được thông qua) khoảng 10.000 người.

 



tư vấn du học Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorksCập nhật mẫu cv xin việc mới nhất bài mẫu speaking ielts