Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Dãy nhà 2 tầng với 6 phòng học tại Điểm trường Lân Quan, Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ), được đầu tư xây dựng năm 2023. |
Đồng Hỷ là huyện miền núi với số dân trên 94.000 người, trong đó trên 54% là đồng bào DTTS. Thời gian qua, huyện đã quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người DTTS, vùng sâu, vùng xa, trong đó có giáo dục.
Xác định cơ sở vật chất là một trong những yếu tố có tính quyết định trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học vùng khó, tính riêng trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã đầu tư 12,9 tỷ đồng (từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS) xây dựng 6 công trình trường lớp học cho các trường bán trú, trường có học sinh bán trú tại các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến.
Đơn cử như Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long, trong 2 năm 2022 và 2023, Nhà trường được đầu tư 2 công trình nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học tại điểm trường chính và Điểm trường Lân Quan (cách điểm trường chính 7km). Theo cô giáo Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Nhà trường: Nếu như trước đây, tại Điểm trường Lân Quan (98/98 học sinh dân tộc Mông) chỉ có 5 phòng học tạm (không có phòng bộ môn) thì nay đã có 5 phòng học khang trang đảm bảo về diện tích, có thêm 3 phòng bộ môn (Tin học, Tiếng Anh và Giáo dục nghệ thuật - Khoa học công nghệ), 1 phòng họp giáo viên. Điểm trường chính hiện có đủ 10 phòng học và 4 phòng bộ môn khang trang.
Những năm qua, Nhà trường cũng được ngành Giáo dục - Đào tạo quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, giường, tủ, bếp nấu..., đảm bảo chăm lo cho học sinh bán trú trong trường.
Học sinh Trường Tiểu học Sa Lung, xã Tân Long (Đồng Hỷ), được học trong lớp học mới khang trang. |
Bên cạnh việc quan tâm đến cơ sở vật chất trường học, các chế độ, chính sách theo quy định đối với học sinh DTTS cũng được huyện Đồng Hỷ triển khai đảm bảo. Ví như tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng (xã Văn Lăng), năm học 2023-2024 có 267 học sinh, trong đó có 108 em ở bán trú hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016-NĐ/CP. Các học sinh ở bán trú ngoài được hỗ trợ chi phí học tập, mỗi tháng còn được cấp 15kg gạo/học sinh. Mỗi học sinh được hỗ trợ bằng 40% mức lương cơ bản (720.000 đồng/học sinh/tháng).
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Nhà trường, thông tin: Việc tổ chức cho HS đồng bào DTTS học bán trú đã góp phần huy động 100% em trong độ tuổi ra lớp, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, chất lượng học tập ngày một nâng cao. Với mô hình này, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng đã thu gọn từ 5 điểm trường về trường chính, hiện còn 1 điểm trường lẻ ở xóm Khe Quân.
Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện Đồng Hỷ, tính đến tháng 3 năm nay trên địa bàn huyện có 55 trường, trong đó có 8 trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú (chiếm tỷ lệ 22,2%) với 120 lớp và 3.057 học sinh; 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với 13 lớp gồm 364 học sinh. Hiện trên địa bàn huyện có 557 học sinh được hưởng các chế, độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ...
Việc tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đặc thù, ưu tiên đối với giáo dục vùng khó đã góp phần đưa 53/53 trường công lập trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 18 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 (đạt 34%).
Đối với giáo dục mầm non: tỷ lệ trẻ DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 94,2% (tăng 7,1 % so với năm 2019); duy trì từ năm 2019 đến nay tỷ lệ 100% trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, trẻ em DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào học lớp 1.
Đối với giáo dục phổ thông: Trẻ DTTS trong độ tuổi vào học tiểu học đạt 100%; 99,9% học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học; 100% học sinh DTTS tốt nghiệp THCS (duy trì giữ vững trong 5 năm gần đây); trên 77% học sinh DTTS đỗ vào lớp 10 (tăng 3% so với năm học 2019- 2020). Trong đó có 59 em học sinh đỗ vào lớp 10 Trường Nội trú tỉnh; 123 em học sinh DTTS đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên; 1.304 em học sinh DTTS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trường nghề.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm nâng cao cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục tại vùng khó, vùng DTTS, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát tình hình thực tế để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kịp thời, đáp ứng đúng thực tiễn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin