Quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng khó

Hằng Nga 12:26, 15/04/2023

Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tỉnh còn chú trọng phát triển giáo dục cho con em đồng bào. Nhiều chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở vùng DTTS được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng.
Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Đến thăm Trường THCS Cúc Đường (Võ Nhai), chúng tôi không khỏi ấn tượng trước cơ ngơi được đầu tư khá đồng bộ của ngôi trường miền núi này. Ngoài dãy nhà 2 tầng do Vietinbank tài trợ cách đây không lâu, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của tòa nhà 2 tầng 8 phòng học, tôn nền và đổ bê tông sân trường. Công trình này có tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Cúc Đường, phấn khởi: Dự kiến trong tháng 4 này, công trình nhà lớp học sẽ được bàn giao cho Nhà trường. Với việc được đầu tư thêm 1 nhà lớp học, Nhà trường sẽ có đủ phòng học, phòng bộ môn. Đây cũng là cơ sở để đầu năm học 2023-2024 tới, Trường đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, trong số 156 học sinh của Trường THCS Cúc Đường, có 65 em là con em đồng bào DTTS ở các xóm Mỏ Chì, Bình Sơn, Lam Sơn được hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê trọ, chi phí học tập. Chính sách ưu việt này đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ học sinh bỏ học vì đời sống quá khó khăn.

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), năm học 2022-2023, Nhà trường có 15 lớp, 268 học sinh. Trong số này có 98 em đang ở bán trú và được hưởng chế độ theo Nghị định 116-NĐ/CP của Chính phủ, được hỗ trợ 15kg gạo/tháng và các chi phí học tập…

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Nhà trường: Nhờ việc tổ chức ở bán trú mà học sinh DTTS đi học đầy đủ. Nhiều năm nay, Nhà trường duy trì sĩ số 100%, tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ngoài giờ học chính khóa, các giáo viên cũng hướng dẫn học sinh ôn bài vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5. Qua đó, các em học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) nhận gạo hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong các chương trình đầu tư cho giáo dục ở vùng DTTS, đáng chú ý là chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non và tiểu học; Đề án đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; Dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn...

Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm phát triển toàn diện hệ thống trường PTDTNT - đây là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Giai đoạn 2016-2022, tỉnh đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú.

Cụ thể: Xây mới Trường PTDTNT THCS Định Hóa và xây thêm phòng học, chỗ ở cho học sinh của 4 trường PTDTNT ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống là Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ. Đến nay, 5/6 trường PTDTNT đã đạt trường chuẩn Quốc gia (Trường PTDTNT THCS Định Hóa mới xây dựng nên chưa đủ thời gian quy định để công nhận).

Song song với đó, Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo nâng cấp 10 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), gồm: 8 trường cấp THCS và 2 trường cấp tiểu học, với tổng kinh phí thực hiện 5 năm qua là trên 26 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT, chất lượng giáo dục của học sinh DTTS có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học giảm. Môi trường học tập ở các trường PTDTNT, PTDTBT cũng giúp học sinh DTTS tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhờ đó đạt chất lượng tốt hơn.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ học sinh DTTS ở vùng khó khăn, bao gồm: học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, gạo cũng được thực hiện kịp thời. Các chính sách này đã hỗ trợ đắc lực việc học tập của con em đồng bào DTTS, giúp các em có thêm động lực đến trường.

Thông qua sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, chất lượng giáo dục vùng miền núi, đặc biệt khó khăn, vùng DTTS có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh có lực học khá, giỏi, học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đều tăng. Các trường PTDTNT, PTDTBT được đầu tư mở rộng đã góp phần duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường PTDTNT theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra...

Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng DTTS và miền núi ở các cấp học.

- Cấp Mầm non duy trì và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) đi học đạt 35% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) đi học đạt 95% trở lên; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%.

- Tiểu học phấn đấu tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% trở lên; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi (6-10 tuổi) đi học đạt 99% trở lên.

- THCS tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99% trở lên; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (11-14 tuổi) đi học đạt 99% trở lên.

- THPT tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (15-17 tuổi) đi học đạt 90% trở lên.