Tăng cường trải nghiệm và thực hành chữa cháy trong trường học

Thảo Nguyên 10:18, 26/09/2024

Nhằm góp phần giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức hoạt động trải nghiệm, thực hành kỹ năng PCCC cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris thực hành, trải nghiệm kỹ năng dập tắt đám cháy.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris thực hành kỹ năng dập tắt đám cháy.

Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm và thực hành chữa cháy trong trường học là một trong những nội dung thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCC và kỹ năng chữa cháy, CNCH cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh; góp phần xây dựng phong trào toàn dân PCCC, giảm thiểu các vụ cháy và ngăn chặn, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra. 

Để công tác tuyên truyền, trải nghiệm và thực hành về PCCC đạt hiệu quả, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai đến 100% trường học nhiệm vụ, giải pháp PCCC trong cơ sở giáo dục theo các văn bản, hướng dẫn liên quan. Các cơ sở giáo dục đã lồng ghép phổ biến nội dung, kiến thức PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Đối với học sinh ở bậc học mầm non, các bài học về PCCC được lồng ghép bằng tình huống giả định có cháy trong lớp học, hướng dẫn trẻ di chuyển đến nơi an toàn; tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm “học làm lính cứu hỏa”. Đối với học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT, việc tuyên truyền về PCCC được lồng ghép trong môn giáo dục và các hoạt động ngoại khóa.

Qua đó hướng dẫn cách xử lý sự cố cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn trong trường hợp gặp phải sự cố cháy xảy ra; hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy, phổ biến số điện thoại báo cháy... Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhất là trường học có học sinh nội trú, bán trú, chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và công an các huyện, thành xây dựng phương án chữa cháy, CNCH; thường xuyên kiểm tra việc khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC...

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris thực hành, trải nghiệm kỹ năng thoát nạn.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris thực hành, trải nghiệm kỹ năng thoát nạn.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hoạt động trải nghiệm và thực hành PCCC, CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, trường học tập trung hướng dẫn thầy, cô giáo và học sinh kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH. Trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại trường học, nơi đông người, nhà ở hộ gia đình, nhà chung cư và biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước….

Đồng thời tập trung hướng dẫn trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức tập huấn, trải nghiệm tại trên 20 trường học, với sự tham gia của hơn 15 nghìn cán bộ, giáo viên và học sinh. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng cho mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh trong công tác PCCC&CNCH nhằm giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại; đồng thời tích cực tuyên truyền, lan tỏa đến gia đình, cộng đồng.

Đầu tháng 9 vừa qua, tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Iris (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy và CNCH. Chương trình được tổ chức, với sự tham gia của cho gần 750 cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường.

Tại Chương trình, học sinh được nghe hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC trong gia đình và nhà trường, phòng chống đuối nước đối với trẻ em; đồng thời được tham gia trải nghiệm, thực hành các kỹ năng, thao tác chữa cháy, như: Dùng bình xịt để dập tắt đám cháy, sử dụng hệ thống lăng vòi chữa cháy bằng nước, một số kỹ năng thoát nạn...

Tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại các trường học là hoạt động thiết thực, bổ ích đối với mỗi cán bộ, giáo viên và các em học sinh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hoạt động này cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng tại các trường học trên địa bàn tỉnh.