Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ấn định lịch thi THPT quốc gia năm 2018 từ ngày 25, đến 27-6; đồng thời ban hành các quy chế cho kỳ thi. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hình thức tổ chức ôn tập và huấn luyện giáo viên, học sinh phương pháp dạy học, kỹ năng làm bài theo những yêu cầu mới của quy chế thi năm nay.
Kỳ thi năm nay, ngoài kiến thức lớp 12, Bộ GD&ĐT sẽ đưa thêm kiến thức lớp 11 vào. Ngay đầu tháng 2-2018, Bộ đã công bố đề thi minh họa của các môn thi xét tốt nghiệp THPT và cao đẳng, đại học phù hợp với từng trường, từng đối tượng. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi minh họa năm nay có tính phân hóa cao, phù hợp với từng đối tượng dự thi.
Cũng như kỳ thi trước, học sinh phải thi liên tục ít nhất 4 bài thi ở 6 môn gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và bài thi tự chọn 1 trong 2 tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Điều giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh lo lắng là theo đề thi minh họa, phần lớn kiến thức tập trung ở lớp 12 nhưng cũng có khoảng 20% kiến thức lớp 11. Tuy lượng kiến thức của lớp 11 chỉ chiếm 1/5 đề thi nhưng học sinh muốn làm bài tốt, đạt được điểm cao để xét tuyển vào đại học thì bắt buộc phải ôn luyện toàn bộ kiến thức. Nhận thấy những khó khăn của kỳ thi năm nay, ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường quan tâm định hướng để học sinh lựa chọn tổ hợp thi phù hợp với năng lực, điều kiện của mình. Từ đó, các nhà trường đã chủ động, tích cực ôn luyện cho học sinh.
Ngay khi bước vào năm học mới, Trường THPT Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) đã xây dựng kế hoạch ôn thi cho học sinh. Chương trình ôn tập của nhà trường chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ tháng 11-2017 đến tháng 3-2018 và giai đoạn hai từ tháng 4-2018 đến thời điểm diễn ra kỳ thi. Để nâng cao chất lượng học sinh, Ban giám hiệu đã tiến hành đánh giá, khảo sát chất lượng ngay từ đầu học kỳ I cho học sinh lớp 12, sau đó sắp xếp nhóm đối tượng học sinh ôn tập theo nhu cầu ôn tập theo tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội và dành riêng một lớp bồi dưỡng học sinh học lực yếu. Cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do đầu vào của học sinh không đồng đều, Trường đã phân loại và thành lập riêng một lớp ôn tập cho học sinh yếu để kèm và bồi dưỡng thêm vào các buổi không chính khóa. Đồng thời cắt cử riêng giáo viên phụ trách đóng vai trò như giáo viên chủ nhiệm lớp. Với các buổi học ôn tập theo tổ hợp, Trường bố trí mỗi buổi học có từ 2-3 giáo viên ôn tập theo tổ hợp. Như vậy sẽ bảo đảm ôn luyện nội dung kỳ thi yêu cầu và cần dạy học cái gì là trọng tâm”. Được biết Trường THPT Chu Văn An năm nay có 348 học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia, trong đó có 223 thí sinh đăng ký thi theo tổ hợp khoa học tự nhiên, 125 thí sinh đăng ký thi theo tổ hợp khoa học xã hội. Đối với Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, các tổ, nhóm chuyên môn của các trường đã họp bàn đánh giá, phân tích cấu trúc, lượng kiến thức đề thi, từ đó lên kế hoạch ôn tập, xây dựng giáo án phù hợp cho từng môn. Từ đầu năm học 2017 - 2018 đến nay, Trường đã tiến hành hai đợt thi thử theo cấu trúc đề thi minh họa. Đây cũng là cách huấn luyện để học sinh làm quen với thi cử và lượng sức mình trước khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.
Tùy vào đối tượng học sinh khác nhau, mỗi cơ sở giáo dục lại có cách tổ chức ôn luyện phù hợp. Do đặc thù phần lớn học sinh có sức học yếu, trung bình nên Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai) chú trọng cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho học sinh ngay từ đầu năm học lớp 12. Thầy giáo Hiệu trưởng Lê Hải Thanh chia sẻ: “Là Trường thuộc vùng kinh tế khó khăn và chủ yếu là dân tộc thiểu số, vì vậy Trường đã huy động toàn bộ giáo viên tăng cường ôn tập, kèm các em học sinh theo nhóm. Đặc biệt, hơn 20 thầy, cô giáo ở nội trú thường xuyên bám lớp, nắm bắt sĩ số và động viên các em đến lớp ôn tập. Trường có gần 30 học sinh ở nội trú, vào buổi tối, Nhà trường tạo điều kiện bật điện, mở các phòng học cho học sinh đăng ký học ôn tập”.
Ngoài quan tâm truyền thụ, củng cố kiến thức, học sinh đều được giáo viên rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Em Đào Thị Thảo, lớp 12A11, Trường THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) cho biết quá trình ôn luyện của mình tại Trường: "Các thầy cô giáo thường xuyên rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cho chúng em qua các bài kiểm tra 1 tiết, thi học kỳ, vấn đáp trên lớp, nhất là các bài thi theo đề minh họa. Hiện nay, các thầy cô chú trọng rèn luyện tâm lý, kiểm soát thời gian, cách làm bài cho chúng em để tránh hết giờ mà chưa làm hết câu hỏi".
Có thể dễ nhận thấy, hầu hết các trường đều bố trí giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để ôn luyện cho học sinh. Bên cạnh đó các trường cũng dành những phòng học, trang thiết bị tốt nhất cho học sinh. Với sự chuẩn bị tích cực đó, học sinh các trường sẽ tự tin hơn khi bước vào kỳ thi.