Chính sách cộng điểm ưu tiên được ban hành là để bảo đảm công bằng về cơ hội học tập, nhưng thực tế ở một số trường hợp đã cho thấy sự mất công bằng. Chính vì vậy Quy chế tuyển sinh năm 2018 đã có những điều chỉnh giảm chênh lệch cộng điểm ưu tiên và thay đổi cách chấm để hướng đến nâng cao chất lượng tuyển sinh cũng như sự công bằng trong thi cử.
Ví dụ cụ thể nhất là việc năm 2017 có thí sinh 30 điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 vào các trường An ninh, Quân đội, Y Hà Nội…do không được cộng điểm ưu tiên. Thống kê về kết quả tuyển sinh năm 2017 của Đại học Thái Nguyên cho thấy số thí sinh không có điểm ưu tiên khu vực (KV) trúng tuyển vào Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên dưới 10% tổng số thí sinh trúng tuyển. Như vậy đồng gần 90% thí sinh trúng tuyển là nhờ điểm ưu tiên. Riêng ngành Bác sĩ Đa khoa có đến hơn 95% thí sinh trúng tuyển vào trường năm 2017 có điểm cộng ưu tiên. Chính điều này khiến các thí sinh ở thành phố có rất ít cơ hội vào các trường "hot" do "thua" các học sinh khác vì không có điểm ưu tiên KV. Từ thực tế đó, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Quy chế mới bổ sung về chính sách cộng điểm ưu tiên, trong đó điều chỉnh lớn nhất là giảm một nửa số điểm ưu tiên khu vực.
Phân tích từ dữ liệu tuyển sinh năm 2017 của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy mức điểm ưu tiên hiện hành ở KV1, KV2-NT(nông thôn) và KV2 đối với các thí sinh trúng tuyển từ mức 20 điểm trở lên đã làm cho khu vực được ưu tiên có điểm cao hơn vùng học thực lực, gây ra mất công bằng. Với các thí sinh trúng tuyển từ mức 27 điểm trở lên, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV1 tăng đột biến, trong khi tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ở KV3 giảm đáng kể. Khi chưa tính điểm ưu tiên KV, thí sinh KV3 (thí sinh thành phố không được cộng điểm ưu tiên) chiếm ưu thế về điểm số so với thí sinh KV1. Tuy nhiên, trong kết quả xét tuyển cuối cùng, tỷ lệ thí sinh ở KV không được ưu tiên trúng tuyển thấp, còn tỷ lệ thí sinh có điểm ưu tiên thì trúng tuyển cao.
Tại Khoản 5, điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và KV trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 quy định, mức chênh lệch giữa hai KV kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như trước là 0,5 điểm), tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Theo quy định mới, điểm ưu tiên KV cao nhất sẽ là 0,75 điểm dành cho thí sinh KV1. Điểm ưu tiên cho thí sinh KV2 nông thôn, KV2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm; tức giảm một nửa so với quy định hiện hành.
PGS,TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên chia sẻ: “Với đề thi tính phân loại không cao, hoặc các trường có tính cạnh tranh cao, chỉ chênh nhau mức điểm rất nhỏ cũng đã trượt-đỗ thì mức chênh lệch 0,5 điểm rất quan trọng. Chính vì vậy, rút ngắn khoảng cách cộng điểm ưu tiên giữa các KV là rất cần thiết”. Còn PGS,TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Thái Nguyên cho biết: "Phải thay đổi chính sách ưu tiên để vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi vào những trường tốp đầu. Rõ ràng, việc cộng quá nhiều điểm ưu tiên thì sẽ tạo ra sự mất công bằng đối với các thí sinh không được cộng điểm. Chính sách cộng điểm ưu tiên là việc cần thiết. Bên cạnh đó, việc làm sao để không tước đi cơ hội học tập tại những ngành "hot" của các thí sinh giỏi KV3 cũng là điều cần phải làm. Tiến tới các ngành nghề tuyển sinh điểm cao, cần nhiều chuyên gia giỏi cũng nên xây dựng tiêu chí riêng là đưa ra tỷ lệ tuyển sinh bao nhiêu phần trăm tuyển sinh viên có cộng điểm ưu tiên KV, bao nhiêu phần trăm là tuyển sinh viên không có cộng điểm ưu tiên KV".
Như vậy, với thí sinh được mức ưu tiên cao nhất, khi các trường xác định điểm trúng tuyển, các em chỉ được cộng 2,75 điểm (gồm đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên), thay vì 3,5 điểm như những năm trước. Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh năm 2018 cũng bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Quy chế tuyển sinh 2018 là việc chấm bài thi tự luận. Tại điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân”. Như vậy sẽ không còn những trường hợp các mức điểm lẻ khác nhau đều quy về bằng nhau theo các mức 0; 0,25; 0,5; 0,75 như trước đây. Tức là trong trường hợp thí sinh được 4,99 cũng không được quy tròn thành 5 điểm và sẽ khác biệt với thí sinh đạt 5,01.