Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Thay đổi trong tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp

09:31, 08/04/2019

Từ ngày 1 đến 20/4/2019, các thí sinh trong cả nước chính thức làm hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đợt một năm 2019. Kỳ thi năm nay có thay đổi về một số quy định và có những điểm mới. Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết những thay đổi trong quy định của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019?

Đ/C Phạm Việt Đức: Về cơ bản, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vẫn giữ ổn định đối với các thí sinh như năm 2018. Những điều chỉnh trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi năm nay phần lớn liên quan đến tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp. Khái quát trong quy định này có những điểm mới sau đây:

1. Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

2. Hội đồng thi tiến hành lắp camera giám sát; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi. Đồng thời quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật. Để tăng cường công tác an ninh, trật tự, tính khách quan, nghiêm túc tại các điểm thi, Ban Chỉ đạo thi điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các Hội đồng thi để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

3. Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

4. Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

5. Phối hợp với công an tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức kỳ thi để phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm nay?

Đ/C Phạm Việt Đức: Theo quy định của Bộ GDĐT, tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (đối với thí sinh học chương trình THPT là tổ hợp các các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX)là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp; Thí sinh GDTX phải dự thi ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập (Toán, Văn) và một bài thi tự chọn trong hai bài thi tổ hợp.

Thí sinh được chọn đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, cần lưu ý thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này. Nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp THPT.

Điểm xét tốt nghiệp gồm: Điểm các bài thi theo quy định, điểm khuyến khích, điểm ưu tiên (nếu có), điểm trung bình cả năm lớp 12. Tất cả các bài thi để lấy điểm xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1.0 điểm theo thang điểm 10. Điểm xét tốt nghiệp đạt từ 5.0 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp:

 Đây là sự thay đổi lớn trong kỳ thi THPT Quốc gia. Các năm trước, cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT bằng 50% điểm bài thi.

PV: Quy định về tổ chức thi cho thí sinh tự do cũng có những thay đổi, đối với tỉnh ta thay đổi đó là gì, thưa đồng chí?

Đ/C Phạm Việt Đức: Trong Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3/2019 Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp có quy định “Thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số Điểm thi do Giám đốc Sở GDĐT quyết định”. Hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nêu rõ: Tại điểm thi mà thí sinh tự do, thí sinh GDTX dự thi chung với thí sinh giáo dục THPT thì phải có ít nhất 60% số học sinh phổ thông. Trên địa bàn TP Thái Nguyên có lượng thí sinh tự do hàng năm đăng ký dự thi khá đông cùng với số thí sinh hệ GDTX học tại các trường CĐ đóng trên địa bàn T.P đăng ký dự thi nên việc sắp xếp tổ chức các Điểm thi gặp nhiều khó khăn (vì phải đảm bảo theo tỷ lệ nói trên). Sở GDĐT Thái Nguyên đã nghiên cứu phương án vừa đảm bảo quy định của Bộ GDĐT vừa tạo điều kiện cho thí sinh thuận lợi trong việc tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, để thực hiện quy định của Bộ GDĐT các điểm thi có thí sinh tự do, thí sinh GDTX này phải được bố trí các phòng chờ trong thời gian không tham gia thi một trong số các môn của bài thi tổ hợp. Theo sắp xếp, các điểm thi có đông thí sinh tự do, thí sinh GDTX (chủ yếu trên địa bàn T.P Thái Nguyên) tham dự kỳ thi này được bố trí điểm dự thi như sau:

1/Trường THPT Ngô Quyền (dự kiến 267 thí sinh tự do của trường Cao đẳng Nghề số 1- Bộ Quốc phòng).

2/Trường THPT Chu Văn An (dự kiến 189 thí sinh của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên).

3/Trường THPT Dương tự Minh (dự kiến 100 thí sinh là công an nghĩa vụ).

4/ Trường THPT Gang thép (dự kiến 250 thí sinh tự do ytreen đại bàn T.P Thái Nguyên).

5/ Trường THPT Lương Ngọc Quyến 9dự kiến 305 thí sinh Trường Cao đẳng Kinh tế-Tài chính Thái Nguyên).

PV: Xin cảm ơn đồng chí!