Quy chế tuyển sinh 2020, thí sinh vẫn được đăng ký xét tuyển đại học không giới hạn nguyện vọng. Bên cạnh đó, các trường cũng đưa ra rất nhiều phương thức tuyển sinh để thí sinh lựa chọn. Đây là bài toán khó đối với thí sinh đăng ký xét tuyển sắp tới.
Lượng sức để chọn ngành, chọn trường
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bắt đầu. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 đang đến gần. Rất nhiều băn khoăn, lo lắng đối với các thí sinh và phụ huynh khi lựa chọn ngành, trường đúng với mong muốn, phù hợp sức học bản thân. PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) chia sẻ một số lưu ý dành cho thí sinh: Những năm gần đây, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn nguyện vọng, nên hầu hết các em đều đăng ký xét tuyển nhiều trường, nhiều ngành học. Điều đó có thể thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, nhưng cũng có không ít thí sinh không xác định được ngành nghề và trường đại học phù hợp năng lực bản thân. Năm 2019, đã có thí sinh khi làm hồ sơ ĐKXT tới trên 20 nguyện vọng và cũng có thí sinh không lượng đúng sức mình nên mặc dù đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng cũng không đỗ vào đại học. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thí sinh ảo, khó khăn trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) cho biết: Thực tế nhiều thí sinh trúng tuyển và nhập học với 2- 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Chính vì vậy, nguyện vọng đầu tiên mà xác định tốt, chính xác thì cơ hội trúng tuyển rất cao. Tránh ĐKXT theo ý thích mà không đúng năng lực học tập của bản thân. PGS. TS Nguyễn Hữu Công cho biết thêm: Dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng 3, 4 nữa. Theo đó, các em vẫn cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính.
Đối với Trường Đại học Y - Dược (ĐHTN), hàng năm vẫn duy trì mức điểm trúng tuyển cao trong khối các trường đại học trên toàn quốc. Năm 2020 này, Trường tuyển sinh 1.020 chỉ tiêu theo 2 phương thức là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường phân tích thì: Hàng năm, tỷ lệ đấu chọi tuyển sinh luôn cao (1 chọi 4, chọi 5), nếu nguyện vọng 1 mà ĐKXT vào Trường không đỗ, thì coi như các em phải chuyển sang nguyện vọng sau đó, thứ tự ưu tiên theo đó mà giảm dần. Nhưng khi dùng nguyện vọng sau ĐKXT thì cũng không dễ đỗ, vì sẽ phải đấu chọi với nhiều thí sinh khác cùng hoàn cảnh trượt nguyện vọng 1. Các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh, phù hợp với các điều kiện về kinh tế, sức khỏe, gia đình… của mình. Đây là thời điểm các em cần tập trung cao độ cho việc ôn thi thật hiệu quả để đạt kết quả cao nhất, từ đó mới tính đến lượng sức mình để ĐKXT.
Có nên “đặt cược” ở nhiều cửa?
Theo PGS.TS Đàm Xuân Vận, Trường Đại học Nông lâm (ĐHTN) chia sẻ: Qua theo dõi công tác tuyển sinh những năm gần đây, có thể thấy, năm 2017, có thí sinh ĐKXT đến 48 nguyện vọng, năm 2019 có thí sinh ĐKXT 50 nguyện vọng. Điều này sẽ gây lãng phí cho gia đình và gây khó khăn cho các trường khi tiến hành lọc ảo. Do đó, thí sinh cần cân nhắc số lượng nguyện vọng. Vì sau khi biết kết quả thi, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng. Lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi là rất quan trọng, quyết định đến thành công hay thất bại việc trúng tuyển ngành nghề, trường đại học theo nguyện vọng của thí sinh. Còn TS Nguyễn Văn Tảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐHTN) cho rằng: Đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT công bố năm nay, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp không cao, nên mức điểm như nhau sẽ nhiều. Vì vậy tại ngưỡng điểm trúng tuyển dễ xảy ra tình trạng có nhiều thí sinh bằng điểm nhau. Sau khi xét tiêu chí phụ của trường sẽ có lọc ảo của Bộ GD&ĐT theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên, nên có thể xảy ra tình huống thí sinh đạt điểm chuẩn nhưng vì đăng ký nguyện vọng xa quá nên không trúng tuyển vào trường. Do vậy, các em không nên quá lo lắng, hãy chủ động, tự tin đăng ký xét tuyển vào những trường phù hợp với ước mơ, nguyện vọng cũng như học lực của mình. Không nên đặt quá cao hoặc thấp hơn quá nhiều so với năng lực. Ngoài việc tự xác định năng lực, sở thích, có thể dựa vào kết quả học tập trong học bạ, tư vấn của thầy cô giáo, bố mẹ… để cân nhắc, lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình.