Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT Quốc gia (năm nay là tốt nghiệp THPT) để xét tuyển vào các trường đại học giảm liên tục.
Với năm 2020, thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học giảm gần 10.000 người so với năm ngoái, dù chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học tăng gần 10% (tổng cộng trên 500 nghìn chỉ tiêu). Ngoại trừ các trường đại học top trên sử dụng chủ yếu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, thì hầu hết các trường còn lại tăng mạnh phương thức xét kết quả học tập (học bạ). Theo chiều ngược lại, tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp lại tăng, chiếm tới gần 30% (tỷ lệ này của năm 2019 là 25%.
Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Về mặt tích cực, nhiều người cho rằng đây làthành quả của việc phân luồng giáo dục ở bậc THPT. Ngược lại, cũng có ý kiến lo ngại vì trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ thì số người đăng ký xét tuyển đại học lại giảm.
Xu hướng nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như: Kết quả định hướng, phân luồng ở bậc THPT; quan tâm đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; các trường đại học có nhiều quyền tự chủ hơn, được sử dụng thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác… Chưa năm nào, các trường đại học, nhất là trường công lập lớn lại dành chỉ tiêu cho xét tuyển theo phương thức học bạ nhiều như năm nay.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả nước phải lùi lịch thi tốt nghiệp THPT khá dài là một trong những lý do các trường tăng xét tuyển học bạ, nhằm tạo sự chủ động, không bị phụ thuộc quá nhiều vào lịch thi hay kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng được xem là xu hướng chung ở các nước phát triển, chứ không riêng ở Việt Nam.
Về phía thí sinh, việc cạnh tranh để vào được khối trường top trên sẽ được thể hiện bằng cả quá trình học, tích lũy kiến thức chứ không chỉ ở một kỳ thi ngắn ngủi. Thực tế hiện nay, điểm học bạ của học sinh THPT cũng ngày càng khách quan, công bằng hơn thông qua nhiều biện pháp, như: Thống nhất tiêu chí kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy trình giám sát kết quả giữa các lớp, trường; sổ điểm điện tử giúp công khai, khó tác động sửa chữa… Ở các trường top trên, việc tuyển sinh theo kết quả học bạ cũng thường kết hợp với các hình thức khác để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đối với Đại học Thái Ngyên, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 10.540 hệ đại học chính quy và 1.240 hệ cao đẳng. Có 5 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020; theo học bạ; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kết hợp thi năng khiếu và xét tuyển theo kết quả học bạ kết hợp thi năng khiếu. Như vậy, thí sinh sẽ có rất nhiều cơ hội để lựa chọn trường và ngành nghề. Các trường, nhất là trường ở top dưới cũng khả năng tuyển sinh cao hơn, hướng tới phân khúc phù hợp ở từng ngành nghề đào tạo.