Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) năm 2020 và các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố. Một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các điều kiện, Quy chế tuyển sinh ĐHCĐ năm nay cũng có những thay đổi tác động trực tiếp đến quyền lợi và nguyện vọng của thí sinh.
Nhiều phương thức tuyển thẳng
Năm nay, các trường ĐHCĐ đều có nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức xét tuyển thẳng. Phương thức này khác hoàn toàn với quy định tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, sẽ có thí sinh trượt, thí sinh trúng tuyển khi không nghiên cứu kỹ các điều kiện tuyển sinh năm năm 2020.
Do đó, thí sinh cần đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường để nắm được thông tin. Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT yêu cầu đề án tuyển sinh của các trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định, trong đó lưu ý thí sinh tránh việc nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT với phương án tuyển sinh riêng của trường; giữa tên các trường; tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh; tuyển sinh vào phân hiệu của trường với trường; chương trình đào tạo chuẩn và các chương trình đào tạo khác của nhà trường...
Theo quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh không được đăng ký thi cả hai tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, đồng thời hai tổ hợp bài thi này đều được tiến hành thi vào buổi sáng 10/8/2020. Từ quy định này, học sinh phải tự chọn ngành nghề đào tạo phù hợp để đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển theo lĩnh vực tự nhiên và lĩnh vực xã hội.
Công bố tuyển sinh của Đại học Thái Nguyên cho thấy một số ngành học đã mở rộng quy mô đào tạo bằng việc mở rộng đối tượng xét trúng tuyển thẳng. Tuy nhiên, để nắm bắt đúng phương thức, điều kiện xét tuyển thì nhiều ngành vẫn giữ bảo đảm ổn định chất lượng tuyển sinh. Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm đều xét tuyển thẳng lấy đến đối tượng học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (bao gồm cả kỳ thi khoa học kỹ thuật). Với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh áp dụng quy chế tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ĐHCĐ năm 2020 của Bộ GD&ĐT thì Trường mở rộng đến các đối tượng là học sinh khuyết tật, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và một số học sinh người nước ngoài có đủ điều kiện nhập học theo Quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên nhóm đối tượng tuyển thẳng này phải học bồi dưỡng bổ sung kiến thức 1 năm do Trường tổ chức.
Chỉ được một lần điều chỉnh nguyện vọng
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, các điểm thu nhận hồ sơ sẽ nhập thông tin đăng ký dự thi THPT và đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các thí sinh sẽ được hướng dẫn sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập và kiểm tra thông tin cá nhân, sau là để thực hiện điều chỉnh đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển chỉ được thực hiện sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Với các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi, việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thực hiện sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Nếu điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến, các em sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển.
Nếu điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.