Hai trường THCS Chu Văn An và THCS Chùa Hàng 2 (T.P Thái Nguyên) tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực đầu vào thu hút sự quan tâm của không ít phụ huynh. Hơn 1.000 thí sinh đăng ký tham dự sát hạch để chọn lấy 440 chỉ tiêu.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tổ chức các kỳ thi năm 2020, đối với lớp 6 bậc THCS sẽ bám sát vào các quy định và Quy chế thi năm 2020. Theo đó, tuyển sinh THCS chủ yếu theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục, các trường sẽ thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Với các trường THCS tại các địa phương (xã, phường, thị xã, thị trấn) trên địa bàn toàn tỉnh, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn theo quy mô phát triển dân số và không bị quá tải. Tuy nhiên, hai trường THCS Chu Văn An và THCS Chùa Hang 2 thì nhu cầu đăng ký vào học của học sinh hàng năm đều tăng cao. Năm học 2020-2021, Trường THCS Chu Văn An có 883 hồ sơ đăng ký nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ lấy 320 học sinh (tăng gần 100 chỉ tiêu so với các năm học trước); Trường THCS Chùa Hang 2 có 244 hồ sơ đăng ký nguyện vọng, trong khi chỉ tuyển sinh 120 học sinh.
Chính vì vậy, hai trường này thực hiện hình thức tuyển sinh xét tuyển, kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Phương thức tuyển sinh là học sinh làm bài kiểm tra đánh giá năng lực môn Toán và môn Tiếng Việt. Điểm xét tuyển là tổng điểm của hai bài kiểm tra đánh giá năng lực và điểm bài kiểm tra môn Toán, môn Tiếng Việt cuối năm lớp 5. Nguyên tắc xét tuyển lấy từ cao xuống thấp và không áp dụng chế độ cộng điểm khuyến khích.
Theo nguyện vọng đang ký có thể thấy, tỷ lệ trúng tuyển vào Trường THCS Chu Văn An gần đạt 3 chọn 1; còn Trường THCS Chùa Hang 2 là 2 chọn 1. Vậy làm thế nào để con em mình đỗ vào Trường THCS Chu Văn An, THCS Chùa Hang 2? Phần lớn đây là lo lắng của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm ngay từ khi con học lớp 4 và đầu năm học lớp 5, với mong muốn sẽ đạt kết quả làm bài kiểm tra cao và trúng tuyển vào hai trường này. Song cũng không ít phụ huynh không hiểu rõ năng lực học tập của con em mình nên ép các con học thêm theo kỳ vọng của gia đình. Chính điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của học sinh ngay từ nhỏ. Sau mỗi kỳ thi, có không ít điểm kiểm tra đánh giá năng lực của các em chỉ đạt 3-4 điểm, trong khi học bạ bậc tiểu học thì đạt kết quả học tập rất tốt. Áp lực có lẽ đến từ chính phụ huynh từ mong muốn đến những ảo tưởng và luôn tạo ra tư tưởng phải học thêm bằng mọi cách, mọi nơi...
Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên: “Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, khi thực hiện tuyển sinh bằng việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì chất lượng tuyển sinh lớp 6 nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung sẽ được nâng lên, bởi sẽ đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực của học sinh. Đối với học sinh tiểu học thì, năng lực được hình thành trong suốt quá trình học tập, rèn luyện từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp quản lý tốt, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vì mục đính học để thi. Dù tuyển sinh bằng hình thức nào thì việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn". Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công thì mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực”.
Có thể nói, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học, phản ánh đúng thực chất năng lực người học để tiếp tiếp tục có những phương pháp dạy học tốt hơn, phân luồng học sinh chính xác hơn. Khi tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì giáo viên cấp tiểu học không thể dạy các em học thuộc lòng, học vẹt, mà phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu khảo sát năng lực. Về phía phụ huynh học sinh cần nắm rõ năng lực của con em mình và không quá kỳ vọng gây ra những áp lực quá lớn về thi cử cho con trẻ.