Những năm gần đây, phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT của học sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng đầu vào của một số trường đại học, khi năng lực thật sự của học sinh ở mỗi trường, mỗi vùng có sự chênh lệch không nhỏ.
Tâm điểm đáng chú ý nhất của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh năm nay chính là việc Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) lần đầu tiên tổ chức xét tuyển bằng học bạ với 495 chỉ tiêu/1.690 chỉ tiêu. Về bản chất, đây là phương thức xét tuyển phù hợp với thực tế khi quá trình học tập của từng học sinh được bảo đảm đánh giá công khai, liên tục trong những năm học THPT.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông đã thực hiện phân ban, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khá rõ và kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu có ý nghĩa để xét tốt nghiệp, đồng thời có phân hóa để các trường đại học có căn cứ để xét tuyển. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường THPT ở cùng một địa phương, một tỉnh vẫn có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục. Điều này khiến thí sinh ở những trường top đầu có thể phải chịu thiệt thòi khi xét tuyển bằng học bạ.
Em Vũ Hoàng Anh, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên chia sẻ: Sự phân hóa xuất hiện ngay từ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khi học sinh ở một số trường THPT chỉ cần đạt 2-3 điểm mỗi môn, trong khi học sinh chuyên chúng em phải đạt 8-9 điểm/môn. Thêm nữa, những trường tốp dưới thường ở vùng sâu, vùng xa, nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên khu vực, dân tộc thiểu số... nên chúng em sẽ bị thiệt thòi hơn.
Khảo sát một số trường THPT có thể thấy, phương thức xét tuyển vào Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên bằng học bạ đã “mở” ra cơ hội rất lớn cho thí sinh khu vực miền núi, vùng cao. Riêng Trường THPT Yên Ninh (Phú Lương), lần đầu tiên đã có 6 thí sinh trúng tuyển, trong khi điểm trúng tuyển vào lớp 10 của trường này những năm gần đây chỉ ở mức 2-3 điểm/môn. Có thể những dữ liệu so sánh đưa ra chưa phản ảnh đầy đủ về chất lượng học sinh, nhưng có một thực tế là trong số hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên năm nay, có đến trên 53% thí sinh trúng tuyển thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khu vực và 30% thí sinh được cộng điểm do là người dân tộc thiểu số.
Chị Nguyễn Hoàng Linh, phụ huynh học sinh ở phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên cho rằng: Theo tôi, nếu như các trường phổ thông có sự xếp hạng thì chất lượng giáo viên, học sinh cũng sẽ có sự khác biệt. Như vậy học sinh giỏi thành phố chắc chắn sẽ khác ở khu vực miền núi. Về chính sách ưu tiên cộng điểm, tôi đồng ý là nên có. Nhưng nên xếp các em vào một nhóm xét tuyển khác, thay vì xét chung với nhóm không có điểm cộng ưu tiên.
Đối với các trường khác trên địa bàn tỉnh, con đường vào đại học bằng xét học bạ cũng tăng lên. Như Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) có trên 2.600 thí sinh đăng ký xét tuyển/610 chỉ tiêu, trong đó, chỉ có 2% hồ sơ đăng ký xét tuyển là thí sinh không có điểm cộng ưu tiên. Hay Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cũng có đến hơn 1.200 hồ sơ đăng ký/1.100 chỉ tiêu... Ngoại trừ Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên ít có thay đổi về danh sách thí sinh trúng tuyển, các trường đại học khác chắc chắn sẽ có những biến động khi thí sinh vẫn còn được thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, đối với vấn đề xét tuyển đại học bằng học bạ với một số trường có điều kiện chuẩn đầu vào cao thì những băn khoăn từ phía phụ huynh và học sinh là rất đáng suy nghĩ.