Làn sóng thứ ba của dịch COVID-19 đã khiến cho hàng loạt các đơn vị, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh lao đao. Tại nhiều đơn vị, DN vận tải, hàng loạt tuyến xe nội và ngoại tỉnh đã phải cắt giảm, thậm chí tạm dừng hoạt động. Trước khó khăn này, các DN phải "gồng mình" để duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Những ngày qua, hoạt động kinh doanh vận tải của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan trở nên trầm lắng bởi các loại hình kinh doanh vận tải xe buýt và hợp đồng phải cắt giảm từ 30-50% số chuyến so với trước đó. Chị Đỗ Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Công ty giải thích: Nếu như trước đây, xe chạy hợp đồng (tuyến Thái Nguyên - Hà Nội) trung bình có 50 đầu xe hoạt động/ngày thì nay chỉ còn khoảng 20 xe. Đối với loại hình kinh doanh vận tải xe buýt, Công ty cũng phải cắt giảm tới 50% đầu xe hoạt động ở tất cả các tuyến. Trong đó, tuyến số buýt 01 (từ Tân Long - Phố Nỉ) gần như không có khách vận chuyển.
Tương tự đối với Hợp tác xã Vận tải Chùa Hang, ông Đinh Văn Linh, đội xe hợp đồng của Hợp tác xá tỏ vẻ lo lắng: Từ đầu làn sóng thứ ba của dịch COVID-19 đến nay, cả ba loại hình kinh doanh vận tải cố định, hợp đồng và xe buýt của chúng tôi gần như bị “đóng băng”. Đáng nói xe chạy hợp đồng, kể từ sau thời điểm nghỉ Tết Tân Sửu trở ra, Hợp tác xã chưa ký được một hợp đồng dịch vụ vận chuyển nào.
Ảm đảm, vắng vẻ so với thông thường cũng là tình trạng của các nhà xe kinh doanh vận tại hoạt động trong Bến xe trung tâm Thái Nguyên (Công ty CP Vận tải Thái Nguyên). Ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe nói: Trong 2 tháng đầu năm, ước doanh thu của bến đạt 4 tỷ đồng, chỉ đạt 89% so với kế hoạch năm nay. Sở dĩ, doanh thu đầu năm của Bến đạt thấp là do số xe đăng ký hoạt động tại Bến giảm 31 xe, số chuyến xuất bến giảm 54 chuyến so với cùng kỳ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ dịch COVID-19 khiến cho lượng hành khách bị sụt giảm là bởi thời gian qua: Người dân đã hạn chế việc di chuyển đến các tỉnh, thành trong nước khi không thực sự cần thiết; học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh ta và một số tỉnh, thành khác được nghỉ học đến hết tháng 2-2021; cả nước dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, có tính chất tập trung đông người trước, trong và sau Tết; việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đến các vùng có dịch theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước... Trước tình trạng hành khách sụt giảm mạnh đã khiến cho các DN vận tải lao đao vì phải cắt giảm số lượng xe, kết quả sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều.
Để vượt qua khó khăn, ngoài việc duy trì sản xuất cầm chừng (cho người lao động nghỉ chờ việc, làm việc luân phiên, cắt giảm chuyến xe) thì các đơn vị còn đang tập trung sang kinh doanh vận tải hàng hóa, chuyển phát nhanh, kinh doanh các mặt hàng xăng dầu hay dịch vụ sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19 hiện nay thì ngoài giải pháp trên, các đơn vị cũng mong muốn được nhận thêm sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước như: Giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ phí đăng kiểm cho các tuyến xe vận tải đang tạm dừng hoạt động...