Người dân Văn Lăng mong cây cầu mới

Minh Phương 17:46, 01/12/2022

Cầu treo Văn Lăng bắc qua sông Cầu được xây dựng cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có chiều dài khoảng 130m, rộng 3m, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Nhiều năm nay, cây cầu được xem như huyết mạch nối liền xã Văn Lăng với các xã Tân Long, Hoà Bình của huyện Đồng Hỷ. Trải qua thời gian khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông…

Hạ thanh chắn giới hạn độ cao, tải trọng xe khi qua cầu treo Văn Lăng là một giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông.
Hạ thanh chắn giới hạn độ cao, tải trọng xe khi qua cầu treo Văn Lăng là một giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn.

Có mặt tại cầu treo Văn Lăng không phải vào giờ cao điểm, nhưng chúng tôi thấy lượng phương tiện giao thông chở hàng qua lại cầu khá lớn. Nhiều ốc vít trên cầu đã rơi, mặt cầu xuất hiện nhiều “ổ gà”, bong tróc, lan can nứt nẻ, nhiều bộ phận bị hoen rỉ…

Ông Hoàng Văn Nhu, Trưởng xóm Tân Thành, cho biết: Đi qua cầu này là cách nhanh nhất đến trung tâm xã, nhưng cầu đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Để giải quyết tạm thời, chính quyền địa phương đã cho hạ thanh chắn giới hạn độ cao, tải trọng xe xuống còn khoảng 2m để hạn chế các phương tiện vận chuyển hàng hoá có trọng tải lớn qua cầu.

Còn ông Vũ Minh Cương, Bí thư Chi bộ xóm Tân Thành, nói: Những năm gần đây, đời sống của người dân Văn Lăng phát triển, nhu cầu xây dựng trên địa bàn lớn, nhiều sản phẩm hàng hoá của người dân muốn giao thương với bên ngoài lại bị hạn chế bởi cây cầu như nút chai khiến xe trọng tải lớn không vào được. Chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm xây dựng cầu cứng để thông thương thuận lợi.

Văn Lăng là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, đồng bào dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số, sinh sống chủ yếu ở các xóm: Bản Tèn, Mỏ Nước, Văn Lăng, Liên Phương và Khe Cạn. 

Trước đây, đời sống của người dân Văn Lăng rất khó khăn, đặc biệt là những xóm có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đông. Tuy nhiên, sau 10 thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn và cuộc sống của người dân đổi thay rõ rệt. Hiện thu nhập bình quân đạt khoảng 24 - 25 triệu đồng/người/năm.

Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống y tế đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Một số chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với hộ nghèo và đồng bào dân tộc luôn được địa phương chú trọng.

Tuy nhiên, xã Văn Lăng hiện còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Hộ nghèo, môi trường, lao động việc làm, nhà ở dân cư và giao thông. Trong đó, tiêu chí hộ nghèo là khó nhất đối với Văn Lăng, tính đến hết tháng 10-2022, toàn xã còn 43,61% hộ nghèo và 12,17% hộ cận nghèo. Bởi thế, việc trở thành xã nông thôn mới vào năm 2024 theo kế hoạch vẫn còn nhiều gian nan…

Trở lại vấn đề cầu treo Văn Lăng, ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Hiện tại, cầu treo đã bị xuống cấp, không đảm bảo tải trọng thiết kế. Người dân mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố hơn, giúp nâng cao đời sống mọi mặt và xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới.