Năm 2012, bà con xóm Cổ Rồng và Đình Cường (nay là xóm Đình Cổ), xã Hoàng Nông (Đại Từ), được đầu tư cây cầu cứng bắc qua suối, thay thế cho cây cầu bằng tre ọp ẹp, khó đi. Sau nhiều năm sử dụng, gần đây cây cầu đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhiều người dân lo ngại cầu khó trụ vững trong mùa mưa bão sắp tới.
Toàn bộ sân tiêu năng của cầu Đình Cổ đã bị lũ cuốn trôi, phải dùng đá hộc để giữ đế cầu. |
Xóm Đình Cổ hiện có 126 hộ dân với 486 nhân khẩu, hơn 60% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Dao, Tày, Nùng. Cầu Đình Cổ bắc qua suối, không chỉ kết nối các hộ dân trong xóm với nhau mà còn kết nối người dân Đình Cổ với các xóm lân cận của xã Hoàng Nông như: Suối Chùn, Đoàn Thắng, La Lương, Đầm Cầu... Tuy nhiên, cây cầu dài gần 20m, mặt cầu rộng khoảng 4m, gồm 3 trụ cầu bằng bê tông cốt thép, 2 cửa xả, hiện đang xuất hiện dấu hiệu hư hỏng.
Dẫn chúng tôi đi dọc cầu, rồi lội xuống suối để chỉ rõ từng bộ phận hư hỏng, ông Trần Văn Trung, Trưởng xóm Đình Cổ, không giấu được lo lắng: Qua mỗi trận mưa lớn, cây cầu lại bị bào mòn, hỏng hóc thêm. Đến nay, các trụ cầu đều có những vết nứt; sân tiêu năng rộng chừng 80m2 đã bị lũ cuốn toàn bộ, 6 thanh giằng của đế cầu nay chỉ còn lại 2 thanh, hai bên bờ kè cũng bị đánh “hàm ếch” tạo thành lỗ thủng lớn, ăn sâu vào lòng đường… Nếu cứ tình trạng này, tôi e rằng cây cầu khó trụ vững, nếu vậy thì gần một nửa hộ dân trong xóm không thể ra trung tâm xã, trẻ em không thể đi học, hàng chục héc-ta lúa, chè của bà con bên kia suối cũng không được canh tác nếu việc lưu thông qua cầu bị đình trệ…
Lo lắng của Trưởng xóm Trần Văn Trung là có cơ sở bởi từ trước đến nay, người dân ở Đình Cổ đã chứng kiến nhiều trận mưa lớn, ngập qua mặt cầu. Đơn cử như năm 2013, nước lũ dâng vượt mặt cầu tới 1,4m hay như năm ngoái, nước lũ cũng cao hơn mặt cầu 0,7m, nước ngập sang cả cánh đồng, nương chè hai bên suối.
Với lượng nước lớn, chảy siết như vậy, bà con trong xóm Đình Cổ lo ngại cây cầu có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Ông Dương Trung Ngọc, người dân ở xóm Đình Cổ, cho biết: Toàn bộ kết cấu phía dưới của cầu hiện đã hư hỏng nặng, cây cầu giống như đang “treo lơ lửng” trên mặt suối, rất nguy hiểm. Những năm qua, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của tỉnh, huyện, chúng tôi đã đề nghị sớm sửa chữa cầu, song vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Khi trời mưa, nước từ đầu nguồn chảy về quá lớn, bà con bảo nhau không đi qua cầu nếu không có việc gì cần thiết.
Sau đợt mưa lớn giữa năm 2022, khi thấy cây cầu tiếp tục bị hư hại, xóm đã báo cáo lên UBND xã Hoàng Nông. Sau khi kiểm tra, địa phương khắc phục ban đầu bằng cách cho máy móc đưa đá hộc vào khu vực sân tiêu năng bị mất, nhằm giữ đế cầu khỏi bị hẫng.
Tuy nhiên, sau một thời gian lượng đá hộc này trôi dần, tản mát ra lòng suối. Đối với phần hư hại ở “cánh gà”, địa phương cũng đã tiến hành nhồi bê tông vào các lỗ thủng, song dòng nước tiếp tục làm vật liệu bật ra…
Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông, cho biết: Ngay sau khi nắm thông tin về hiện trạng của cầu Đình Cổ, chúng tôi đã báo cáo lên huyện và cùng với đoàn công tác của huyện kiểm tra thực tế, nhưng các biện pháp khắc phục đã triển khai mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sớm được đầu tư, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cầu để bà con yên tâm đi lại. Ngoài cầu Đình Cổ, hiện ở địa phương còn tràn liên hợp xóm Suối Chùn đầu tư đã lâu, cũng có hiện tượng xuống cấp cần được cải tạo. Trước mắt, vào mùa mưa bão, chúng tôi bố trí lực lượng ứng trực, lắp đặt biển báo, barie ở hai đầu cầu, cảnh báo bà con không qua suối để đảm bảo an toàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin