Không chỉ giữ đúng cam kết với Chính phủ, việc khánh thành, đưa vào khai thác thêm hai dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông 2017-2021 (giai đoạn I) gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây dự kiến ngày 29/4 tới còn mang lại những kinh nghiệm quý, giúp ngành giao thông bắt tay triển khai hiệu quả một loạt công trình hạ tầng quy mô lớn khác nhằm từng bước hiện thực hóa khát vọng hoàn thành 5.000km đường cao tốc theo định hướng của Chính phủ.
Một nút giao quy mô lớn trên cao tốc bắc-nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây. |
Sau gần 1.000 ngày đêm bám công trường “ăn cơm giữa rừng, nghỉ ngơi vách núi”, trong đó có hơn 200 ngày tổng lực thần tốc triển khai các hạng mục, hai dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) với tổng chiều dài gần 300km đã được hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân hoàn thành, đưa vào khai thác đúng dịp 30/4, giữ đúng lời hứa với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thị sát công trường đầu Xuân 2023.
Những bước nước rút
“Tâm trạng của tôi lúc này như một người nông dân vừa cày xong thửa ruộng lớn, kịp mùa vụ”, kỹ sư Hoàng Nghĩa Việt, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông (giai đoạn I) chia sẻ. Dù đã gần 30 năm theo nghề “phu lục lộ”, làm đủ vị trí công tác tại các công trường xây dựng giao thông, nhưng chuỗi hơn 100 ngày chạy đua nước rút tại dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây vẫn là “một trận đánh lớn và khó khăn nhất” trong cuộc đời làm nghề của kỹ sư Việt.
Tính đến cuối tháng 4/2023, hai dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến bảo đảm thông xe dịp lễ 30/4 như yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp góp phần nâng tổng số km đường cao tốc thuộc trục bắc-nam lên 800km so với giai đoạn trước năm 2020 là 400km. “Hai dự án này có ý nghĩa rất lớn với các tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận. Thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến Thanh Hóa cũng như từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận giảm đáng kể, chất lượng khai thác được nâng cao.
Việc khánh thành hai dự án đúng dịp nghỉ lễ 30/4 sẽ tạo điều kiện cho nhân dân có thêm lựa chọn đi đến các điểm du lịch của Thanh Hóa, Bình Thuận, thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19”, Bộ trưởng giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin. “Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải cũng cho biết, hiện nay Bộ đang chỉ đạo các đơn vị triển khai, phấn đấu khánh thành đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài 101km và Nha Trang-Cam Lâm dài 49km vào ngày 19/5 tới.
Với tính chất và ý nghĩa quan trọng của các dự án, chỉ sau nửa năm được giao trọng trách người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nhiều lần trực tiếp vào thị sát công trường và chỉ đạo, tháo gỡ tức thì những vướng mắc nảy sinh. Sau mỗi lần kiểm tra, do được gỡ khó nhanh chóng, công trường các dự án đều chuyển biến mạnh mẽ.
Cần phải nói thêm rằng, quá trình triển khai dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây cũng như các dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 hội tụ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công trường bị phong tỏa, tê liệt trong thời gian dài; biến động giá, khan hiếm vật liệu đất đắp, cát đá, xăng dầu,… khiến các nhà thầu thi công trên cao tốc bắc-nam phía đông (giai đoạn I) đều lĩnh đủ và “ngấm” rất sâu.
Đặc biệt, trong hai năm 2021-2022, thời tiết khu vực Thanh Hóa và Bình Thuận diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Đến thời kỳ nước rút, nếu Chính phủ không giải quyết dứt điểm khó khăn về nguồn cung vật liệu đất đắp, ít nhất 2/3 dự án thành phần cao tốc bắc-nam sẽ khó hoàn thành đúng hẹn.
Những yếu tố nêu trên đã “bào mòn” năng lực tài chính của các nhà thầu, theo nhẩm tính sơ bộ, trung bình mỗi nhà thầu tham gia, bị lỗ từ 15 đến 20% giá trị gói thầu, dự báo còn cao hơn nữa do phải dồn, bổ sung nhân lực, thiết bị, kịp về đích đúng kế hoạch thông xe dịp 30/4.
Một đoạn cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. |
Thậm chí, một số nhà thầu đã lỗ tới 1.500 tỷ đồng ngay từ khi các gói thầu họ tham gia mới trải qua 3/4 chặng đường. Trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, để thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan thẩm quyền của Bộ; đồng thời phối hợp các bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ vướng mắc cho dự án.
Đúc rút những kinh nghiệm quý
Điểm tựa quan trọng cho dự án là suốt quá trình triển khai, nhất là tại hai dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và người dân trong phạm vi dự án đồng tình, ủng hộ.
“Các chuyến kiểm tra hiện trường thường xuyên, trong đó có chuyến kiểm tra xuyên Việt, xuyên Tết trong các năm 2022 và thị sát sau Tết năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các kỳ họp của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo nên khí thế, quyết tâm mới trong các đơn vị thi công”, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết.
Các cơ quan của Quốc hội cũng thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề để ghi nhận, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án. Khi hai nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu cung cấp cho dự án cao tốc được Chính phủ ban hành, đã rút ngắn thời gian thực hiện từ hơn 1,5-2 năm xuống còn khoảng 6-8 tháng.
Theo phương châm “vừa cổ vũ, vừa mệnh lệnh”, đến tháng 9/2022, Bộ Giao thông vận tải đã phát động phong trào thi đua 120 ngày đêm để các Ban Quản lý dự án, nhà thầu nỗ lực phấn đấu, bảo đảm hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng: trong đó các dự án thành phần Mai Sơn-quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây sẽ hoàn thành vào dịp 30/4.
Nhìn cung đường cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 thẳng tắp, gọn ghẽ đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả Phạm Duy Hiếu mới thở phào sau chuỗi thời gian “giải nguy” khối lượng công việc tồn đọng rất lớn của thầu phụ Hoàng Long. “Ngày 17/11/2022, khi kiểm tra dự án, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Đèo Cả, nhà thầu đứng đầu liên danh vào cuộc giải cứu phần việc bị chậm. Theo tính toán, trị giá khối lượng “giải cứu” khoảng 50 tỷ đồng thì Đèo Cả lỗ đến 20 tỷ đồng”, ông Hiếu cho hay.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023, ngành giao thông vận tải sẽ đưa vào khai thác thêm năm đoạn với chiều dài 173km; năm 2024 sẽ hoàn thành hai đoạn dài 128km. Dự kiến đến năm 2025, tiếp tục hoàn thành 12 dự án thành phần giai đoạn II và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, cùng với một số dự án khác, nâng tổng số chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 3.000km, tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000km cao tốc trên cả nước vào năm 2030.
Phó Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Thế Minh đánh giá, việc thi công thần tốc các tuyến cao tốc (giai đoạn I) vừa qua đã để lại những bài học kinh nghiệm lớn khi triển khai các dự án tương tự: sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; giải phóng mặt bằng phải ưu tiên “đi trước một bước”; chủ động được nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu đắp; việc tổ chức thi công của các nhà thầu phải được vạch ra chi tiết ngay từ đầu, khả thi từng điều kiện thực tế. Do dự án đòi hỏi nguồn lực lớn, nhà thầu phải chủ động về tài chính, có cơ chế thanh toán kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin