Giao thông liên kết - đi trước mở đường

Trần Quyền 08:05, 02/05/2023

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia có các vùng kinh tế và tính liên kết vùng được đề cao. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh yếu tố liên kết để phát triển, trong đó hệ thống giao thông kết nối đóng vai trò “đi trước mở đường”. Và thực tế những năm gần đây, Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực, thể hiện quyết tâm lớn trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại.

Hệ thống giao thông kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Nguyên Ngọc
Hệ thống giao thông kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Nguyên Ngọc

“Bức tranh” thêm những mảnh ghép sáng

Hệ thống giao thông nội bộ, giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh từ lâu đã có các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 17, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Thái Nguyên – Chợ Mới… đã và đang phát huy vai trò lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thống kê của ngành Giao thông, toàn tỉnh hiện có gần 5.000km đường bộ, trong đó có trên 200km quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa với chất lượng khá tốt; hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000km đường xã đảm bảo giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, đường kết nối các khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã và đang được đầu tư bài bản, khá đồng bộ, hiện đại.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này, cụ thể hóa định hướng đầu tiên trong 5 định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là “Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội”, Thái Nguyên luôn quan tâm huy động và ưu tiên dành nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Tỉnh lộ 266 kết nối TP. Sông Công với huyện Phú Bình theo trục ngang, nối Quốc lộ 3 với Quốc lộ 37 và hệ thống đường gom các khu công nghiệp trọng điểm (Yên Bình, Điềm Thụy) được ưu tiên nguồn vốn và tập trung triển khai để nhanh chóng hoàn thành. Cùng với đó, đường Vành đai V, đường 36 mét nối cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với Khu công nghiệp Sông Công 2; đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa, Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 261, đường Cù Vân – An Khánh – Phúc Hà, đường Việt Bắc… cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Các hạng mục đường giao thông, nhất là cầu Huống Thượng thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên đang đảm bảo tiến độ và đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc…

Những “mảnh ghép” tươi sáng đó giúp “bức tranh” giao thông của Thái Nguyên thêm sống động và hoàn chỉnh hơn.

Tập trung cao độ cho giao thông đối ngoại

Trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh hiện nay không thể không nhắc đến Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (khởi công tháng 5-2022), công trình có tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo thêm “đòn bẩy” cho tăng trưởng, phát huy hơn nữa tiềm năng về nhiều mặt của Thái Nguyên nói chung, của khu vực phía Nam tỉnh nói riêng.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo thêm “đòn bẩy” cho tăng trưởng, phát huy tốt tiềm năng về nhiều mặt của khu vực phía Nam tỉnh. Trong ảnh: Thi công đoạn qua địa bàn huyện Đại Từ. Ảnh: Nguyên Ngọc
Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo thêm “đòn bẩy” cho tăng trưởng, phát huy tốt tiềm năng về nhiều mặt của khu vực phía Nam tỉnh. Trong ảnh: Thi công đoạn qua địa bàn huyện Đại Từ. Ảnh: Nguyên Ngọc

Tính chất quan trọng của Tuyến đường này thể hiện ở việc sẽ kết nối các khu công nghiệp quan trọng của Thái Nguyên, khu vực có nhiều tiềm năng ở sườn Đông Tam Đảo với tỉnh Bắc Giang và tỉnh Vĩnh Phúc, những địa phương cũng đang là động lực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ưu tiên bố trí nguồn vốn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang tập trung cao độ, vào cuộc quyết liệt, nhất là trong giải phóng mặt bằng để Dự án hoàn thành vào cuối năm sau. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã không ít lần trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc…

Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang:

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đi qua 6 xã của huyện sang TP. Phổ Yên, nơi đang phát triển rất năng động và có nhiều công nhân là người Hiệp Hòa làm việc. Công trình hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn với địa phương, “khơi thông” cả khu vực phía Bắc huyện mà còn tạo nên một “cánh cung” phát triển mới giữa Thái Nguyên và Bắc Giang, kết nối các khu công nghiệp trọng điểm của 2 tỉnh.

Mới đây, đường Vành đai V đoạn qua huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang cũng bắt đầu được thi công. Công trình quan trọng này sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối ở khu vực phía Nam tỉnh, tạo đà cho “quê lúa” Phú Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đô thị hóa để sớm trở thành thị xã. Cụ thể hơn là “mở đường” cho việc hiện thực hóa Khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Phú Bình, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc – Xuân Phương, Cụm công nghiệp Bảo Lý – Xuân Phương và Cụm công nghiệp Thượng Đình đã được phê duyệt quy hoạch.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng như Quy hoạch tỉnh, theo ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư vào hạ tầng giao thông đối ngoại với các dự án như: Giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh nối với tỉnh Tuyên Quang; nâng cấp Quốc lộ 1B và Quốc lộ 37 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp III đồng bằng; mở rộng tuyến đường từ km31 Quốc lộ 3 đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hoàn thiện đường vành đai V, tuyến đường trục dọc phía Tây Thái Nguyên kết nối liên vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Nội… Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đường gom, kết nối các khu công nghiệp với giao thông liên tỉnh; đầu tư hệ thống đường du lịch vùng hồ Núi Cốc và cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường huyện thành đường tỉnh.

Có thể nói, từ quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã cụ thể hóa bằng các giải pháp quy hoạch, huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, tạo được sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng để phát triển hạ tầng giao thông. Chiến lược đúng hướng này giúp Thái Nguyên tạo thêm nhiều dư địa tăng trưởng, khơi thông các nguồn lực, phát huy rõ nét hơn vai trò là một động lực của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đối với các dự án giao thông lớn đã và đang triển khai, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên bố trí từ ngân sách địa phương 1.529/4.235 tỷ đồng vốn thực hiện (chiếm 36%), còn lại là ngân sách Trung ương.

Để đầu tư các dự án giao thông theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên cần nguồn lực rất lớn. Riêng 9 dự án chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch trung hạn ước tính đã cần khoảng 7.000 tỷ đồng.