Thời gian vừa qua, nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước để xảy ra vi phạm trong công tác kiểm định, đã bị lực lượng chức năng, công an các địa phương tiến hành điều tra, khám xét, khởi tố và bắt tạm giam hơn 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên. Hậu quả, nhiều trung tâm đăng kiểm buộc phải dừng hoạt động, tình trạng ùn tắc xe ô-tô đến kiểm định ở các địa phương, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị ùn tắc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, gây thiệt hại đến đời sống, kinh tế - xã hội.
Nhân viên Trung tâm đăng kiểm 2927D (đường Phạm Văn Ðồng, Hà Nội) kiểm định phương tiện. |
Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp cấp bách, mang tính khả thi cao để giải quyết, tháo gỡ vấn đề ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Thống kê của Cục Ðăng kiểm Việt Nam, trước thời điểm xảy ra sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm, cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm với gần 500 dây chuyền kiểm định cùng hơn 2.000 đăng kiểm viên tham gia kiểm định xe cơ giới. Khi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra sai phạm, cả nước có 106 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động, hiện tại vẫn còn 40 trung tâm đóng cửa.
Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận, tình trạng ùn tắc đang tiếp tục diễn ra tại 184 trung tâm tại 43 tỉnh, thành phố, nhất là tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đều đang đóng cửa.
Thời điểm này, Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã phối hợp các đơn vị liên quan đưa 66 trung tâm trở lại hoạt động nhưng thực tế các trung tâm này mới chỉ hoạt động ở công suất tối thiểu do không đủ lực lượng đăng kiểm viên. Dù đã có nhiều giải pháp (giãn chu kỳ, miễn đăng kiểm lần đầu xe con mua mới, có sự hỗ trợ của đăng kiểm công an và quân đội,...) nhưng tình trạng ùn tắc vẫn có xu hướng gia tăng do năng lực hiện tại của các trung tâm đăng kiểm không đủ đáp ứng.
"Tình trạng ùn tắc đang tiếp tục diễn ra tại 184 trung tâm tại 43 tỉnh, thành phố, nhất là tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đều đang đóng cửa." Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng |
"Theo tính toán, tổng số phương tiện cần được kiểm định trong sáu tháng tới khoảng 2,5 triệu xe, trong khi năng lực của 241 trung tâm với 384 dây chuyền hiện tại chỉ kiểm định được khoảng 550 nghìn xe/tháng, cần ít nhất sáu tháng mới kiểm định hết lượng phương tiện trên (chưa kể các trường hợp phương tiện kiểm định lại), đặc biệt là khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện cao, sẽ phải kéo dài thời gian hơn", Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng đánh giá.
Quá tải đăng kiểm diễn biến nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh khó khăn, long đong ngược xuôi tìm nơi đăng kiểm. Nhiều trung tâm đăng kiểm thậm chí đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài hàng tháng. Việc này gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp như vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi trong khi xe "đắp chiếu", thậm chí bị hủy hợp đồng vận chuyển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics có nguy cơ bị ngưng trệ sản xuất, vận chuyển, gây lãng phí, thiệt hại rất lớn, nhiều phương tiện phải "đắp chiếu" chờ lịch kiểm định, thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty vận tải Interbuslines, trong một tháng qua, hơn chục xe khách của công ty hết hạn kiểm định nhưng không thể lấy phiếu hẹn tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bởi trung tâm nào cũng phải chờ từ 3 tuần đến hơn 1 tháng.
Ðể kịp kiểm định xe, giảm thiểu thiệt hại, ông Tùng phải cử lái xe đưa ô-tô đến các trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh khác để đăng kiểm. Tính chi phí 1 ngày, mỗi xe đi đăng kiểm không hoạt động, lương lái xe, phí cầu đường, xăng dầu, tổng chi phí 3-5 triệu đồng.
Một chủ doanh nghiệp vận tải ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng than thở do gặp khó khăn khi đặt lịch đăng kiểm cho 6 xe tải hết hạn đăng kiểm. Ðăng ký qua app đăng kiểm, ông nhận được phiếu hẹn kiểm định cho xe vào tháng 8, trong khi 6 chiếc xe là "cần câu cơm" của cả gia đình.
Hợp đồng vận chuyển đã ký, xe không chạy được, ông lo lắng khi có nguy cơ phải đối mặt với tiền phạt phá vỡ hợp đồng. Gần nửa tháng qua, ông cùng vợ đôn đáo đến các tỉnh lân cận tìm cách đăng kiểm sớm cho phương tiện nhưng vẫn chưa thành công. "Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, sẽ có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", một chuyên gia giao thông nhận định.
Đề xuất "giãn" chu kỳ kiểm định
Tại buổi làm việc mới đây của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các bộ, ngành, đại diện hiệp hội, chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NÐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã đề nghị áp dụng cơ chế tự động gia hạn chu kỳ kiểm định đối với các phương tiện đáp ứng tiêu chí của Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ đồng tình ý kiến này và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thiết kế, xây dựng ứng dụng (app) hoặc tích hợp vào Cổng dịch vụ công của Bộ để chủ sở hữu xe đủ tiêu chuẩn giãn chu kỳ kiểm định được đăng ký và cơ quan chức năng có thể tra cứu, thực hiện giãn chu kỳ kiểm định trực tuyến; đồng thời kết nối dữ liệu nhằm khắc phục tình trạng 1 xe đăng ký kiểm định qua app ở nhiều trung tâm.
Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải, đề xuất cho phép áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định đối với ô-tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, mà không phải đưa xe đến kiểm định lại. Giải pháp cấp bách này có tính khả thi giúp giảm thiệt hại cho xã hội, tháo gỡ ùn tắc chỉ trong vòng hơn 1 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay.
Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng nhận xét, theo thống kê, số lượng xe cá nhân dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hằng tháng chiếm khoảng 33-43% tổng số phương tiện đến hạn kiểm định, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm phương tiện sở hữu cá nhân về cơ bản cường độ sử dụng không nhiều, chủ phương tiện luôn chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa.
Nhiều phương tiện hết đăng kiểm từ tháng 4 nhưng đặt lịch phải đến tháng 8 mới được kiểm định. Ðối với doanh nghiệp vận tải cũng như người dân, để phương tiện "đắp chiếu" 3-4 tháng vô hình trung gây ra thiệt hại nặng nề, trong khi tình trạng quá tải đăng kiểm hiện nay không phải do người dân gây ra mà đến từ những bất cập trong quản lý lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới. |
Qua tổng hợp số liệu kiểm định, nhóm loại phương tiện này tỷ lệ đạt ngay từ lần đầu kiểm định khoảng 95%. Như vậy, hầu hết các xe này không cần thiết phải kiểm định lại trước khi giãn chu kỳ mà vẫn bảo đảm yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, cơ quan quản lý cho phép một ô-tô ở chu kỳ tới được kéo dài thêm sáu tháng, vậy chu kỳ hiện tại, ô-tô này còn mới hơn, chất lượng tốt hơn, vì thế hoàn toàn có thể tự động gia hạn kiểm định mà vẫn bảo đảm yếu tố an toàn kỹ thuật. Luật cho phép hồi tố những quy định để giải quyết các tình huống cấp bách, việc giải quyết quá tải hiện nay cũng được coi là nhiệm vụ cấp bách để ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, nên về mặt pháp lý hoàn toàn không có vướng mắc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đề xuất này vẫn đang chờ ý kiến chấp thuận từ Bộ Tư pháp, tuy nhiên Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin của đơn vị khẩn trương thiết kế ứng dụng (app) để có thể triển khai ngay khi đề xuất trên được chấp thuận. Chủ phương tiện được giãn chu kỳ kiểm định chỉ cần vào app, nhập đầy đủ thông tin là lập tức được cấp giấy xác nhận, không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm, sử dụng bản in giấy xác nhận hoặc bản điện tử để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều phương tiện hết đăng kiểm từ tháng 4 nhưng đặt lịch phải đến tháng 8 mới được kiểm định. Ðối với doanh nghiệp vận tải cũng như người dân, để phương tiện "đắp chiếu" 3-4 tháng vô hình trung gây ra thiệt hại nặng nề, trong khi tình trạng quá tải đăng kiểm hiện nay không phải do người dân gây ra mà đến từ những bất cập trong quản lý lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.
"Do đó, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết thỏa đáng cho người dân. Nhiều xe quá hạn đăng kiểm nhưng chưa đến lịch kiểm định, thường có tâm lý lo sợ bị kiểm tra, xử phạt trên đường. Do đó, để tạo thuận lợi cho người dân, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần trao đổi, có văn bản thống nhất không xử phạt xe hết hạn đăng kiểm trên đường đến trạm kiểm định đặt lịch hẹn", Tiến sĩ Khương Kim Tạo kiến nghị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin