Xe tự chế chở hàng cồng kềnh: Bao giờ mạnh tay xử lý?

Theo HNM 15:41, 11/05/2023

Vật dụng, vật liệu xây dựng... được chất đầy lên chiếc xe ba bánh, xe tự chế là hình ảnh dễ bắt gặp trên nhiều tuyến đường phố của Hà Nội. Những loại xe này chở hàng cồng kềnh lưu thông trên các tuyến phố không chỉ đe dọa an toàn tính mạng của người tham gia giao thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý những xe tự chế chở hàng cồng kềnh...

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một xe chở hàng cồng kềnh tại huyện Thường Tín. Ảnh: Đỗ Trang
Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một xe chở hàng cồng kềnh tại huyện Thường Tín. Ảnh: Đỗ Trang

Nguy cơ gây mất an toàn giao thông

Tại bất cứ tuyến đường nào của Hà Nội, dù sáng, chiều hay tối vẫn có thể bắt gặp những chiếc xe máy tự chế, xe ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh. Trên đường từ ngã tư đường Hồ Tùng Mậu - Nguyễn Cơ Thạch đến đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), không khó để bắt gặp những chiếc ba bánh, không bảo đảm tiêu chuẩn về kỹ thuật, nhưng chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông. Tương tự, ở địa điểm thu mua phế liệu trên đường Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm), theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, mỗi ngày có khoảng chục xe tự chế chở phế liệu thu gom về đây để tập kết, phân loại rồi lại chở phế liệu đã phân loại di chuyển đến nơi khác. Mỗi chuyến xe đều được chằng buộc rất nhiều hàng hóa cồng kềnh. Đặc biệt, tại các tuyến phố tập trung những "vựa phế liệu" như Tố Hữu, Dương Đình Nghệ, Mễ Trì, Phạm Hùng, Tam Trinh… hằng ngày có rất nhiều phương tiện chở hàng cồng kềnh luồn lách trên đường.

Cũng không thể bỏ qua các tuyến phố kinh doanh đồ gỗ như đường La Thành, Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa)… khi hằng ngày có nhiều xe ba bánh, xe tự chế chở sắt, thép, bàn ghế cồng kềnh… Bà Nguyễn Thu Hoài, kinh doanh ở khu vực này cho biết, khi khách có nhu cầu vận chuyển bàn, ghế, tủ, bà thường gọi lái xe ba bánh đến chở hàng. Với những mặt hàng cồng kềnh, hàng hóa nặng... các lái xe thường lựa chọn khung giờ 11h-14h hoặc 19h-21h để tránh bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Thời gian gần đây, người dân còn phát hiện có rất nhiều xe ba bánh, xe tự chế chở đất, đá, chất thải đổ trộm ở những khu vực đất trống, sâu trong ngõ hoặc rìa bờ sông như sông Tô Lịch, sông Sét, đường Vành đai 2,5, Vành đai 3…

Xe chở hàng cồng kềnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm).

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện nay đơn vị hạn chế và không cấp mới biển kiểm soát cho loại phương tiện tự chế vì không bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn khi lưu thông. Bên cạnh đó, Công an các quận, huyện, thị xã cũng tuyên truyền đến các cơ sở chuyên hàn xì cam kết không nhận chế xe ba gác...

Thiếu tá Đào Việt Long cho biết thêm, hiện cơ quan công an chưa tiến hành thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ nát do chưa có quy định đối với niên hạn xe. Tuy nhiên, hằng năm, Phòng Cảnh sát giao thông xử lý, thu giữ hàng nghìn phương tiện cũ nát vi phạm chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm, không có giấy tờ đăng ký...

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, với các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn, UBND phường chủ yếu vận động, tuyên truyền người dân thực hiện thuê xe vận chuyển đúng quy định, không vận chuyển hàng hóa cồng kềnh. Trong các cuộc họp của tổ dân phố, hay các lần thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ, UBND phường cũng vận động, tuyên truyền, đề nghị các thương, bệnh binh đang sử dụng xe ba bánh thực hiện đúng quy định về phương tiện, chấp hành nghiêm quy định về Luật Giao thông đường bộ.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), cuối năm 2022, Phòng đã chỉ đạo các Đội Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trong đó, tập trung vào các loại xe tự chế chở hàng cồng kềnh. Kết quả, phát hiện và ngăn chặn hoạt động của nhiều xe ba gác tự chế chở những thanh nhôm, sắt dài gần chục mét. Các đơn vị cũng kiên quyết tịch thu phương tiện xe ba gác tự chế thuê lại hoặc mượn tên người thuộc diện chính sách, thương, bệnh binh.

Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Đồng thời tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng với người điều khiển xe tự chế vi phạm. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự. Mặc dù quy định đã rõ ràng, song do chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều lái xe tự chế vẫn cố tình vi phạm chở hàng cồng kềnh. Thậm chí, nhiều trường hợp còn sẵn sàng bỏ xe lại do giá trị tài sản không cao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh vi phạm tái diễn ngày càng nhiều như hiện nay, giải pháp tốt nhất vẫn là kiên quyết xử lý những vi phạm nêu trên.