Đang trong mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở, ngập lụt trên các tuyến giao thông luôn tiềm ẩn. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn được huyện Phú Lương quan tâm thực hiện.
Ngầm tràn tại xóm Yên Thủy 2, xã Yên Lạc (Phú Lương) thường xuyên bị ngập khi xảy ra mưa lớn, khiến giao thông bị chia cắt. |
Phú Lương là huyện miền núi có địa hình tương đối phức tạp, với hệ thống sông suối và đồi núi cao xen kẽ. Chính vì thế, mỗi khi xuất hiện mưa lớn, trên địa bàn thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập úng, sạt lở, sạt trượt đất đá, khiến giao thông bị chia cắt, gián đoạn. Trên địa bàn huyện hiện có 26 ngầm tràn và trên 16 điểm dễ bị ngập úng; các địa phương dễ xảy ra sạt lở khi có mưa kéo dài là các xã Ôn Lương, Yên Trạch, Động Đạt, Yên Ninh…
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, huyện Phú Lương đã tăng cường tuyên truyền các đơn vị, địa phương và người dân chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” khi có mưa lớn xảy ra; tổ chức lực lượng trực 24/24 để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Đặc biệt là các ngầm tràn thuộc trục giao thông chính, như: đường Đu - Khe Mát, đường Tức Tranh - Phú Đô - Núi Phấn, đường Yên Ninh - Yên Trạch…; các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như mái taluy âm tuyến Tỉnh lộ 263 đoạn qua địa phận xóm Suối Đạo, xóm Tân Chính và xóm Na Biểu, xã Phủ Lý; tuyến đường Yên Trạch - Phú Tiến đoạn qua địa phấn xóm Na Pháng, xã Yên Trạch; cầu tràn Cộng Hòa (xã Động Đạt); cầu tràn Đồng Phủ 1 (xã Yên Ninh)…
Bà Phạm Thị Mai, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ phòng, chống thiên tai xóm Yên Thủy 2, xã Yên Lạc, chia sẻ: Xóm thường xuyên tuyên truyền nhân dân phát quang cây cỏ, khơi thông cống rãnh, trong đó chú trọng dọn dẹp rác, cành cây trên dòng chảy ở các ngầm tràn. Khi xảy ra mưa bão, các thành viên Tổ phòng, chống thiên tai xóm tiến hành căng dây, treo biển cảnh báo nguy hiểm trước điểm ngập. Đồng thời, chúng tôi cũng đăng tải hình ảnh ngầm tràn bị ngập lên nhóm Zalo của xóm để cảnh báo người dân không di chuyển qua; phân công lực lượng thay phiên nhau trực tại các ngầm tràn.
Để đảm bảo cơ động, kịp thời ứng phó với thiên tai, huyện Phú Lương cũng chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện; cấp phao tròn, áo phao, thuyền tôn cho các xã, thị trấn. Hiện nay, huyện có 3 chiếc xuồng máy, 470 chiếc phao cứu sinh, 315 phao tròn cứu sinh, 700 chiếc dây thừng, 26 đèn báo hiệu, 25 cọc tiêu cảnh báo nguy hiểm…
Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát và cập nhật tình trạng hệ thống giao thông, cầu, ngầm tràn và hệ thống biển báo để sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Tính từ năm 2022 đến nay, huyện Phú Lương đã phân bổ lồng ghép các nguồn vốn được trên 28 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp trên 120 công trình giao thông, cầu, ngầm tràn. Nổi bật như công trình cầu dạng cống hộp tại xóm Ao Lác (xã Yên Lạc), cầu Na Lậu (xã Phủ Lý), cầu Cửa Hàng (xã Tức Tranh)…
Những phương án huyện Phú Lương đã và đang triển khai đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, hạ tầng giao thông, giúp giao thông thông suốt trong mùa mưa bão.
Theo bà Lê Thị Thúy Nguyên, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Ban An toàn giao thông huyện Phú Lương: Mới đây, huyện đã tiếp tục có văn bản yêu các xã, thị trấn và các đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, rà soát thực trạng các công trình giao thông, hệ thống cột điện, cột thông tin để sớm có giải pháp sửa chữa, nâng cấp; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin