Khu vực phía Nam của tỉnh (gồm TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình) được xác định là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của Thái Nguyên. Trong đó, “vùng lõi” công nghiệp hiện nay là Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và KCN Điềm Thụy, nơi có Tổ hợp Samsung Thái Nguyên cùng hàng chục dự án FDI quy mô lớn. Vì vậy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết.
Đường 47 mét giai đoạn I (bên trái ảnh) được đưa vào sử dụng từ năm 2018, đấu nối với đường vành đai V - Ảnh: Nguyên Ngọc. |
Cùng với các tuyến đường huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, ưu tiên giao thông kết nối. Tại khu vực phía Nam của tỉnh, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới đã phát huy hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nói riêng.
Nhằm hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống giao thông trong khu vực, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đường nối Quốc lộ 3 mới (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) đến KCN Yên Bình đoạn từ Km3+516,9 đến Km5+434,18 và ĐT.261 - giai đoạn 2I (Dự án đường 47 mét giai đoạn 2). Giai đoạn I của tuyến đường đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2018 (nền đường rộng 23,5m, bề rộng mặt đường 15,5m), kết nối KCN Yên Bình với các trục đường quan trọng.
Đây là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư trên 82 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Mục tiêu của Dự án là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP. Phổ Yên, TP. Sông Công nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung; khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các KCN, dịch vụ; giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực có mật độ phương tiện và lượng người lớn; hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải của tỉnh.
Việc triển khai Dự án được xác định có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng khi tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, với mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Cùng với các KCN hiện hữu tại khu vực này (KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy, nơi đang tạo ra phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh), các KCN mới được quy hoạch như: KCN Yên Bình 2 và 3; KCN Thượng Đình; KCN, đô thị, dịch vụ Phú Bình; Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình… khi triển khai sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh. Vì vậy, việc đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có vai trò tiên quyết.
Được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông của tỉnh đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Ngày 8-8 vừa qua, Ban đã phát hành hồ sơ mời thầu; dự kiến hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công Dự án trong tháng 9-2023. Với điều kiện mặt bằng đã sẵn sàng, nguồn vốn được ưu tiên, Dự án được kỳ vọng sẽ triển khai nhanh và sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin