Sự phát triển của nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu vận tải tăng cao trên cả nước. Tại Thái Nguyên, bình quân mỗi năm toàn tỉnh tăng gần 40.000 xe, trong đó có gần 7.000 ô tô, 30.000 mô tô, trên 2.700 xe máy điện. Vì vậy, cùng với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đặc biệt chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đồng thời góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT)…
Tuyến đường tỉnh 269D qua các xã Văn Hán (Đồng Hỷ), Liên Minh, Tràng Xá (Võ Nhai) mới được Sở Giao thông Vận tải đầu tư sửa chữa nền, mặt đường với tổng kinh phí 7,53 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Cường |
Mặc dù hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng về phương tiện và lượng người tham gia giao thông. Vào giờ cao điểm vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến đường ở TP. Thái Nguyên, các khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực đảo tròn Tân Long.
Giao thông nông thôn được đầu tư khá mạnh, tuy nhiên các địa phương thường chỉ chú trọng cứng hóa mặt đường; việc xây dựng hành lang an toàn giao thông (ATGT) và các công trình, thiết bị bảo đảm ATGT (như hệ thống biển báo, vạch kẻ đường...) hầu như chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng TNGT ở khu vực nông thôn có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay, Sở GTVT Thái Nguyên được Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam giao quản lý, khai thác và bảo trì 4 tuyến quốc lộ, gồm: 1B, 3C, 17 và 37, với tổng chiều dài 168km; UBND tỉnh giao quản lý, khai thác và bảo trì 21 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 383,8km.
Trung bình mỗi năm, Bộ GTVT giao tổng dự toán bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ 4 tuyến quốc lộ khoảng 100 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh giao sửa chữa thường xuyên, bổ sung có mục tiêu khoảng 105 tỷ đồng. Kinh phí dành cho công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu.
Ngoài thiếu vốn, quá trình thực hiện việc quản lý và duy tu đường bộ, Sở GTVT còn gặp khó khăn, vướng mắc như không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện xây rãnh dọc và cạp mở rộng nền mặt đường một số đoạn tuyến (chủ yếu là các khu vực tập trung đông dân cư để chống ngập úng, đảm bảo mỹ quan, đảm bảo giao thông và an toàn giao thông).
Trao đổi tại Hội nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, đồng chí Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Với nguồn kinh phí được giao, Sở GTVT đã triển khai các giải pháp ưu tiên phù hợp khả năng bố trí vốn, bao gồm: Ưu tiên theo tính chất, mức độ hư hỏng như khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý điểm mất ATGT, sửa chữa cầu yếu, hệ thống ATGT, các hư hỏng nặng, ngập úng...; tưu tiên các tuyến huyết mạch, trọng yếu đối với tỉnh); theo kiến nghị của cử tri (với kiến nghị phù hợp và cần thiết).
Công ty TNHH MTV Tân Khánh được Sở GTVT giao quản lý, bảo trì 7 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 94,9km gồm: Tuyến đường ĐT. 261C Cầu Ca - Dương Thành; ĐT.261E Cầu Thủng - Lữ Vân; ĐT. 269B Úc Sơn - Hợp Tiến; ĐT. 289D Linh Nham - Tràng Xá; ĐT.269E Bảo Lý - Đồng Liên; ĐT.267 Dốc Lim - Phúc Xuân và ĐT.263B Đại Từ - Ký Phú.
Công nhân Công ty TNHH MTV Tân Khánh dọn hành lang tuyến ĐT. 267 Dốc Lim - Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên). |
Để nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì, sửa chữa các tuyến đường được giao, doanh nghiệp đã bố trí hạt quản lý đường bộ trải đều trên các tuyến, quán triệt các cán bộ, công nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Ông Trương Đăng Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Khánh, cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống trên các tuyến đường tỉnh lộ được Sở GTVT giao quản lý, Công ty đã giao cho các đội quản lý thường xuyên kiểm tra tình trạng kết cấu mặt đường. Với quan điểm đường thông, lề thoáng, mặt đường thuận, biển báo rõ, Công ty tập kết vật liệu, nhân lực để xử lý bất kỳ tình huống nào trên tuyến xảy ra. Doanh nghiệp cũng bố trí cán bộ trực thường xuyên kiểm tra, theo dõi các tuyến đường hư hỏng để báo cáo, xử lý kịp thời đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bằng nguồn vốn sự nghiệp giao thông và các nguồn hợp pháp khác, Sở GTVT đã rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ xuống cấp, hư hỏng trên những tuyến đường do đơn vị quản lý, từ đó cân đối và ưu tiên sửa chữa đối với những đoạn xuống cấp, hư hỏng nặng.
Thảm bê tông nhựa Quốc lộ 17 với tổng chiều dài gần 6,6km, đoạn qua xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) và xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên). |
Năm 2023, Sở GTVT triển khai 18 danh mục công trình sửa chữa định kỳ trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ. Ngoài ra, Sở thường xuyên kiểm tra, theo dõi các vị trí có nguy cơ mất ATGT. Trong trường hợp phát sinh, hình thành các vị trí tiềm ẩn mất ATGT thì đề xuất phương án xử lý hiệu quả.
Thời gian tới, Sở GTVT tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị ưu tiên dành nguồn lực cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường do địa phương quản lý nhằm kéo dài thời gian, công năng sử dụng, đảm bảo ATGT thông suốt. Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép, tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang giao thông để bán hàng, họp chợ gây cản trở, ách tắc giao thông...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin