BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ được tháo gỡ khó khăn?

Nguyễn San 16:14, 04/04/2024

Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, cả nước hiện có 8 dự án BOT giao thông gặp vướng mắc về trạm thu phí, 4 dự án sụt giảm doanh thu, trong đó có BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Bộ này đang trình Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trên theo hướng sử dụng nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương để xử lý.

Như chúng ta đã biết, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được triển khai ban đầu có 2 phần gồm: Tuyến đường đầu tư mới Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40km và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 cũ dài 25km, với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã xây 2 trạm thu phí trên tuyến đường mới và tuyến Quốc lộ 3 cũ.

Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác (tháng 5-2017), nhà đầu tư chỉ thu được phí trên tuyến mới, còn tuyến cũ không thu được do người dân không đồng tình. Mặt khác, do tuyến đường mới không phải cao tốc nên nhiều lối mở dọc tuyến khiến việc thu phí không triệt để. Chính bởi vậy, doanh thu của dự án chỉ đạt khoảng 10% đến 15% phương án tài chính đề ra. Hiện nay, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nằm trong nhóm các dự án sụt giảm doanh thu và bị thua lỗ nghiêm trọng.

Để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đã từng đề nghị cấp thẩm quyền dành nguồn kinh phí trên 3.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả cho nhà đầu tư và dừng toàn bộ dự án này.

Ngoài ra, phía nhà đầu tư là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) và các Công ty Tuấn Lộc, Trường Lộc cũng đã đề xuất hai phương án: Một là tiếp tục đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn nhà đầu tư để nâng cấp 40km tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới và làm thêm khoảng 29km nối Chợ Mới với TP. Bắc Kạn. Hai là dành 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách để nâng cấp tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới hiện có và làm mới đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn dài khoảng 9km theo tiêu chuẩn cao tốc, tiến hành thu phí toàn tuyến.

Tuy nhiên, các phương án được đưa ra đến nay đều chưa có hồi âm. Thực tế, theo phân tích chuyên môn, phương án đầu tư bổ sung là không phù hợp với hợp đồng đã ký, thủ tục đầu tư phức tạp, chưa có tiền lệ, thiếu tính pháp lý...

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu không xây dựng đường cao tốc 2 làn xe, nếu nâng cấp phải thành 4 làn xe cho toàn tuyến, điều đó khó khả thi vì kinh phí đầu tư quá lớn trong khi dự án này đang sụt giảm doanh thu.

Mặc dù vậy, không thể cứ kéo dài tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" của nhà đầu tư cùng các đơn vị tài chính đi theo, gần đây Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục có phương án trình Chính phủ bố trí khoảng 10.650 tỷ đồng vốn nhà nước sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2023 để xử lý các dự án BOT giao thông thua lỗ, sụt giảm doanh thu. Theo lãnh đạo Cienco4, Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới nằm trong diện được xem xét tháo gỡ khó khăn do thua lỗ.

Theo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất phương án chia các dự án trên thành 3 nhóm để xử lý. Nhóm 1, sẽ sửa đổi hợp đồng, bổ sung nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ tiếp tục triển khai dự án. Nhóm 2, bố trí nguồn thu phí từ dự án đang hoạt động ổn định bổ sung sang dự án khó khăn. Nhóm 3, bố trí ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, số dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần phải tháo gỡ chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng nếu chậm xử lý sẽ không chỉ ảnh hưởng đến "sức khỏe" doanh nghiệp, các đơn vị tài chính mà còn tác động xấu đến môi trường đầu tư, chủ trương xã hội hóa nguồn lực của Đảng, Nhà nước.