Trưa 26-5, trong lúc đơn vị thi công đang hốt dọn, khắc phục còn khoảng 80m3 đất sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh thì 1 lượng lớn đất đá ở vị trí sạt lở cũ tiếp tục sụt đổ với khối lượng lớn khiến công tác thi công khắc phục càng thêm khó khăn.
Đến chiều 26-5, Cục Đường sắt Việt Nam vẫn đang tiếp tục huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (đoạn qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) để sớm khơi thông hầm, thông các chuyến tàu bị trễ.
Lực lượng chức năng, chuyên gia cũng đang nỗ lực khảo sát đưa ra nhiều phương án để khắc phục |
Trong ngày 26-5, các lực lượng thi công đang duy trì 3 mũi thi công, khắc phục vị trí hầm bị sạt lở, trong đó mũi thi công từ đỉnh hầm đang gặp khó trong việc khoan neo để bơm bê tông vào hầm.
Máy móc cỡ lớn rất khó tiếp cận vị trí sạt lở để khắc phục nhanh |
Theo ghi nhận và qua lời kể của các công nhân, kỹ thuật tại hiện trường, khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày (26-5), trong lúc công nhân đang hốt dọn đất đá tại điểm sạt lở trong hầm đường sắt Chí Thạnh mang ra ngoài thì 1 lượng lớn đất, đá từ điểm sạt lở từ ngày 21-5 tiếp tục sạt đổ xuống. Vị trí sạt lở cách xa nơi thi công nên không có thiệt hại gì nghiêm trọng.
Hình ảnh hiện trường vị trí tiếp tục sạt lở vào trưa hôm nay, ngày 26-5 |
Tại hiện trường, khối lượng đất đá sạt xuống bịt kín 1 đoạn hầm đường sắt Chí Thạnh. Sự cố làm ảnh hưởng đến công tác khoan neo bơm bê tông của tổ thi công đỉnh hầm, khiến cho pa lăng đặt máy khoan bị nghiêng.
Trong chiều 26-5, tổ công tác khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh đang khảo sát, đánh giá lại khu vực mới sạt lở. Qua đó, đang nghiên cứu phương án tiếp cận, khắc phục hiệu quả và an toàn hơn.
Thông tin nhanh với PV Báo SGGP vào chiều cùng ngày (26-5), ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam xác nhận, trong lúc đơn vị thi công đang đào vào để khắc phục thì vẫn còn hiện tượng đất rơi, sạt.
Theo ông Cảnh, vụ sạt lở mới khiến hơn 10m3 đất, đá bị sạt xuống 2 đầu hầm (mỗi đầu hơn 5m3 đất, đá).
"Do lớp đất đá sau vỏ hầm quá rời rạc, phức tạp nên để bít kín các lỗ rỗng không cho đất rơi sạt xuống là rất khó", Cục trưởng Cục Đường sắt thông tin thêm.
Về hiệu quả, an toàn phương án khắc phục - ông Trần Thiện Cảnh cho rằng, phương án này đã được các đơn vị, chuyên gia từ các công ty, tập đoàn lớn chuyên đào hầm đường bộ, như: Sông Đà, Đèo Cả đánh giá phù hợp để khắc phục sự cố sạt lở ở hầm Chí Thạnh.
Vị trí sạt lở cách xa vị trí công nhân làm việc |
Như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 21-5, hầm đường sắt Chí Thạnh xảy ra sự cố sạt lở đất, đá vùi lấp 2 toa xe công vụ do Ban Quản lý dự án 85 đang thi công gia cố hầm. Theo nhận định ban đầu, khối lượng đất đá sạt, sụt lở khoảng 260m3 và phạm vi hố sụt này rộng hơn rất nhiều so với vụ sạt ở hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) trước đó.
Sau khi khảo sát, đánh giá lại vụ sạt lở, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, khối lượng sạt lở rất lớn, công việc khắc phục gặp nhiều khó khăn nên chưa thể dự kiến được thời gian thông tàu đường sắt.
Theo đơn vị thi công, hiện rất khó để huy động các phương tiện, máy móc lớn vào hầm để khắc phục. Nhiều chuyên gia của các công ty, tập đoàn uy tín trong đào hầm đường bộ lớn đang được mời đến để hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở.
Máy móc được huy động để khắc phục sự cố trong hầm đường sắt Chí Thạnh |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin