Chông chênh trên các chuyến đò

Phan Trang 11:11, 23/05/2024

Trên đoạn sông Cầu ngăn cách 2 xã Thượng Đình và Đào Xá (Phú Bình) hiện có 2 bến đò ngang chở người dân, học sinh qua sông mỗi ngày. Khoảng cách di chuyển chỉ hơn 100m nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Có một cây cầu bắc qua sông là nỗi khát khao của người dân nơi đây.

Mới đây, có mặt tại bến đò xóm Phú Minh, xã Đào Xá, từ hơn 17 giờ đến gần 19 giờ, chúng tôi chứng kiến rất đông người đang chờ đò và đi đò qua sông. Trung bình mỗi ngày có gần 1.000 lượt người đi qua đò.

Hơn 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Loan, xóm Đông Hồ, xã Thượng Đình, đều đặn di chuyển bằng đò sang xã Đào Xá làm việc 2 lượt/ngày. Chị cho biết: Thời tiết bình thường thì không sao, hôm nào mưa lớn, mực nước sông dâng cao thì đò sẽ dừng hoạt động. Khi đó, tôi lại phải đi qua cầu treo Đồng Liên để sang xã Thượng Đình với quãng đường khoảng 14km, xa gấp đôi so với đi đò ngang. Sắp tới, khi cầu treo bị tháo dỡ, tôi sẽ phải di chuyển lên đập Ba Đa rồi xuôi về xã Thượng Đình, hoặc xuống Cầu Mây rồi đi lên xã Thượng Đình. 

Còn anh Hoàng Văn Anh, xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá, cho hay: Để rút ngắn khoảng cách đến trường, tôi cho con theo học tại Trường Tiểu học Thượng Đình. Khi vắng người, tôi chở con trên xe máy qua đò để đến trường. Nếu đông người, các cháu phải tự đi vì để đưa xe máy xuống đò mất nhiều thời gian. Những hôm nước to, chúng tôi phải xin nghỉ học cho các cháu vì đò không hoạt động.

Theo người dân sinh sống ở gần khu vực các bến đò, ngày nào cũng vậy, cứ vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, nhân dân, người lao động và học sinh xếp hàng dài để lên đò sang sông. Trong đó chủ yếu là người lao động ở các xã Đào Xá, Bàn Đạt, Tân Khánh (Phú Bình) và Đồng Liên (TP. Thái Nguyên) sang xã Thượng Đình để đi làm tại các khu, cụm công nghiệp.

Một chuyến đò từ xã Thượng Đình qua sông Cầu sang xã Đào Xá.
Một chuyến đò từ xã Thượng Đình qua sông Cầu sang xã Đào Xá.

Xếp hàng đi đò không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa thì đò ngang tại 2 bến trên địa bàn chỉ được chở tối đa 8-10 người. Tuy nhiên, tại bến đò Phú Minh, chúng tôi chứng kiến có những chuyến chở tới 18 người cùng với hàng hóa, xe đạp, xe máy. Phần lớn hành khách không mặc áo phao, đò thì khá thô sơ. Trước thực tế trên, UBND xã Đào Xá và Thượng Đình thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở nhưng do nhu cầu đi lại của người dân cao nên tình trạng chở quá số người quy định vẫn diễn ra.

Chị Đặng Minh Phương, xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá, cho hay: Vào giờ cao điểm, ai cũng muốn lên đò để đi làm hoặc về nên số lượng người trên đò đông. Tôi đứng trên đò cũng rất lo lắng, bất an. Mới đây, đò còn bị trục trặc, trôi tự do một đoạn khiến tôi khá sợ hãi.

Anh Dương Đình Trung, xóm Phú Minh, xã Đào Xá, cho biết thêm: Hàng ngày, tôi phải qua đò 6-7 lượt. Quả thực, tôi cảm thấy rất bất tiện và lo lắng vì không đảm bảo an toàn. Không chỉ vậy, chúng tôi phải đóng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/hộ/năm, tùy số lượng thành viên. Khách vãng lai thì khoảng 5 nghìn đồng/lượt.

Mong muốn về một cây cầu qua sông đã trở thành nhu cầu bức thiết của nhân dân sinh sống ở các xã quanh khu vực 2 bến đò nhiều năm qua. Cử tri các xã cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị tới các cấp, ngành liên quan...