Trên địa bàn TP. Sông Công có một số đoạn đường đã xuống cấp hoặc hạ tầng không đồng bộ. Điều này không những gây mất an toàn giao thông, mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị chung của thành phố.
Tuyến đường Cách mạng tháng Mười đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường mấp mô nhiều “ổ gà, ổ trâu”, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. |
Hơn 10 năm nay, 6 hộ dân (với trên 30 nhân khẩu) ở tổ dân phố 3 Tân Sơn, phường Lương Sơn, TP. Sông Công (đoạn gần nút giao Sông Công) rơi vào tình cảnh bắt buộc phải vi phạm luật khi tham gia giao thông. Bởi lẽ, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xây dựng từ nhiều năm nhưng không làm đường gom dân sinh. Các hộ dân ở khu vực này không có lối để đi, bắt buộc phải đi ngược chiều tại đường dẫn lên cao tốc. Vì nếu họ chấp hành đúng luật giao thông thì sẽ phải đi thêm khoảng 20km lên TP. Thái Nguyên rồi quanh về TP. Sông Công.
Chị Nguyễn Thị An, tổ dân phố 3 Tân Sơn, chia sẻ: Trước cửa nhà tôi có biển “cấm rẽ trái”, nếu rẽ phải là đi vào đường cao tốc. Như vậy, nếu đi đúng luật, tôi phải đi vào đường cao tốc, vòng rất xa, mà chỉ có phương tiện ô tô mới đi được, còn xe máy sẽ bị cấm. Tôi mong Nhà nước quan tâm làm con đường gom để mọi người xung quanh đây không phải vi phạm luật giao thông.
Điểm bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nữa chúng tôi muốn đề cập là tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn gần Khu công nghiệp Sông Công II, dài hơn 200m). Đoạn đường này giống như một khúc cua “tử thần”, là “diễn đàn nóng” trên các trang mạng xã hội thời gian qua. Khúc cua gấp, độ dốc cao, khuất tầm nhìn, mặt đường gồ ghề, nhiều hố sâu rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thực tế, nhiều người điều khiển phương tiện tự ngã trên đoạn đường này.
Ông Nguyễn Văn Liên, ở xóm Mới, xã Tân Quang, sinh sống gần khu vực này, nhận định: Đoạn đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, đường xấu, khuất tầm nhìn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người điều khiển phương tiện tự ngã. Người nào nhẹ thì trầy xước chân tay, nặng thì phải đi bệnh viện cấp cứu. Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đoạn đường này đã được đơn vị chức năng lắp đặt gờ giảm tốc, biển báo đường hẹp và thỉnh thoảng có vá mặt đường nhưng chỉ được một thời gian ngắn, mặt đường lại bị bong tróc trở lại. "Tôi mong TP. Sông Công có giải pháp bền vững để đảm bảo an toàn giao thông tại đây" - ông Liên chia sẻ thêm.
Tuyến đường Cách mạng tháng Mười - tuyến giao thông huyết mạch của TP. Sông Công cũng đang xuống cấp, ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Có mặt tại một đoạn trên tuyến đường vào lúc 17 giờ ngày 17-9, chúng tôi chứng kiến xe trọng tải lớn, nhỏ; công nhân, học sinh tham gia giao thông chật cứng đường. Trong khi mặt đường mấp mô, nhiều "ổ gà", "ổ trâu" làm các phương tiện tham gia giao thông khó khăn khi di chuyển. Đặc biệt, đoạn qua địa phận tổ dân phố La Đình, phường Bách Quang, có xe rác để ngổn ngang trên vỉa hè, nước thải chảy xuống lòng đường gây ô nhiễm môi trường, rất mất mỹ quan.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Sông Công còn một số tuyến đường xuống cấp, hoặc chưa được xây dựng đồng bộ làm ảnh hưởng an toàn giao thông và đời sống của người dân xung quanh. Đơn cử như đường Thắng Lợi kéo dài - tuyến đường từng kỳ vọng là điểm nhấn cho đô thị của TP. Sông Công, với chiều rộng nền đường được thiết kế lên đến 60m, nối thẳng với Quốc lộ 3. Nhưng vì một số lý do mà đã 8 năm nay đường chưa được bàn giao, đưa vào sử dụng. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân sống ven đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mỗi khi có mưa lớn.
Từ thực trạng một số tuyến đường, đoạn đường xuống cấp, hạ tầng giao thông không đồng bộ đã và đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mong rằng, địa phương và các ngành chức năng sớm có những giải pháp khắc phục, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn đầu tư để những tuyến đường, đoạn đường nêu trên đảm bảo an toàn và hiện đại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin