Giảm ùn tắc giao thông ở T.P Thái Nguyên: Kế sách nào phù hợp?

10:22, 09/11/2021

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn T.P Thái Nguyên thời gian gần đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp tình thế và giải pháp lâu dài. Bởi thế, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn ngoài nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ nên mạnh dạn hiến kế để cùng cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp phù hợp…

Kỳ I: Giải pháp hành chính - hiệu lực tức thì

Tình trạng ùn tắc những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tại T.P Thái Nguyên sẽ gia tăng khi mưa rét kéo dài, tỷ lệ người dân sử dụng ô tô, tắc xi đi lại tăng cao. Trong khi công trình giao thông nội thị của T.P Thái Nguyên khó có khả mở rộng. Thêm nữa là một số điểm nút đang, đang và sẽ được thi công cải tạo, nâng cấp nên sẽ cấm hoặc hạn chế phương tiện qua lại. Do vậy, phương tiện sẽ đổ dồn về các tuyến còn lại gây ùn tắc là tất yếu.

Phân luồng giao thông: Việc làm thường ngày

Xác định rõ vấn đề trên nên UBND T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều khiển giao thông tại vị trí các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Thiếu tá Đào Đình Huệ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc phân công lực lượng tham gia phân luồng tại các nút giao trở thành việc làm hàng ngày của đơn vị. Có nhiều điểm ùn tắc mới nên chúng tôi phải tăng cường cả cán bộ nữ tham gia ứng trực tại một số điểm để phân luồng vào giờ cao điểm. Đội còn thành lập các tổ tuần tra kiểm soát cơ động nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công an thành phố đã chỉ đạo công an các phường, xã tham gia hướng dẫn giao thông tại các nút giao, đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn, đảm bảo mỗi chốt có ít nhất một cán bộ làm nhiệm vụ. Lực lượng còn mỏng nên một số nút giao thông mới xuất hiện ùn tắc vẫn thiếu cán bộ phân luồng…

Ban Dịch vụ Công ích T.P Thái Nguyên thường xuyên duy tu các công trình giao thông.

Với thực tế trên, Thiếu tá Đào Đình Huệ cho rằng ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, UBND T.P Thái Nguyên nên chỉ đạo Đoàn Thanh niên, UBND các phường, xã cử tình nguyện viên, lực lượng cơ sở tham gia cùng hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm.

Điều chỉnh giờ làm chống ùn tắc cục bộ 

Ngoài phân luồng giao thông, T.P Thái Nguyên nên điều chỉnh khung giờ làm việc để giãn cách mật độ người tham gia giao thông như một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã triển khai. Theo thông kê, UBND T.P Thái Nguyên đang quản lý trực tiếp trên 160 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THCS với tổng số gần 35.000 cán bộ, giáo viên, học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trên 10 cơ sở giáo dục THPT với tổng số cán bộ, học sinh trên 10 nghìn người. Riêng đại học Thái Nguyên có 4 nghìn cán bộ, giảng viên và 38 nghìn học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung. Như vậy, việc điều chỉnh giờ làm việc đối với khối giáo dục chắc chắn sức ép về ùn tắc giao thông khung giờ cao điểm sẽ giảm, có hiệu quả tức thì.

Cùng đó là lượng lớn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chọn T.P Thái Nguyên để lưu trú nên mật độ tham gia giao thông hàng ngày tăng lên nhanh. Cộng thêm công nhân là người dân ở các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ tự điều khiển phương tiện đi làm hoặc có xe ô tô đưa đón hàng ngày đều đi qua các tuyến đường của T.P Thái Nguyên dẫn đến ùn tắc ngay tại nút giao Tân Long. Nếu điều chỉnh giờ làm việc của lực lượng công nhân này cũng sẽ góp phần giảm ùn tắc giờ cao điểm.

Phương tiện lớn không thể đi qua cầu phao Ngọc Lâm vì vật liệu tạm bợ.

Viêc điều chỉnh khung giờ làm việc thời gian đầu ít nhiều tác động đến lịch trình sinh hoạt của mỗi người dân nhưng đây là giải pháp hành chính dễ thực hiện, ít tốn kém nhất về vật chất nên cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu, xem xét triển khai. T.S Nguyễn Đình Yên, Bí thư Đoàn Đại học Thái Nguyên cho rằng: Vào giờ cao điểm, các nút giao trên các tuyến đường: Quang Trung, Z115, Đê Nông lâm thường ùn tắc, nên việc điều chỉnh khung giờ làm việc có thể nghiên cứu rồi triển khai thí điểm.

Xử phạt “nguội” và thông tin về người vi phạm

10 tháng năm 2021, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an T.P Thái Nguyên) đã xử lý 4.819 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ... Ngoài ra, Đội còn phối hợp nhắc nhở, xử lý 432 trường hợp vi phạm trật tự công cộng. Điều này cho thấy ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Đối với T.P Thái Nguyên, ùn tắc giao thông chưa phải quá phức tạp nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ trở thành vấn đề nóng. Do vậy, cơ quan chuyên môn cũng nên nghĩ tới việc nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền điều chính khung giờ cho phù hợp với các đối tượng, góp phần giảm ùn tắc…

Ông Hà Huy Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Việc dừng, đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè trái quy định cũng là nguyên nhân khiến giao thông ở T.P Thái Nguyên bị ùn tắc. Do vậy, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép thành phố thực hiện cấm dừng, đỗ xe vào giờ cao điểm tại một số tuyến.

Do vậy, trong quý IV-2021, Công an T.P Thái Nguyên tiếp tục tuần tra, giải tỏa triệt để các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè các tuyến đường đô thị, đặc biệt là các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh việc tuần tra xử lý vi phạm, lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên đã và đang khuyến khích người dân cung cấp hình ảnh vi phạm để xử phạt “nguội”; kịp thời thông tin người vi phạm tới cộng đồng dân cư, nơi học tập, làm việc.

Đây là cách để cả xã hội tham gia giám sát, lên án các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo T.S Nguyễn Đình Yên, Bí thư Đoàn Đại học Thái Nguyên: Trong những năm qua, cơ quan quan chức năng đã gửi thông tin các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ tới các nhà trường. Qua đó, nhà trường nắm bắt được thông tin, trực tiếp giáo dục, có biện pháp xử lý học sinh, sinh viên nên có sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống camera lắp đặt tại một số nút giao thông, điểm công cộng trên địa bàn T.P Thái Nguyên, camera an ninh của các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt để đảm bảo truyền dẫn hình ảnh ghi lại các trường hợp vi phạm để cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở xử lý.

Thiếu tá Đào Đình Huệ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an T.P Thái Nguyên) cho biết: Cơ quan chức năng đã xử lý được một số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh, clip nhân dân cung cấp nhưng chưa nhiều, chưa thường xuyên. Chúng tôi mong rằng trong quá trình thực hiện chương trình giao thông thông minh, chuyển đổi số của tỉnh sẽ ghi, lưu giữ hình ảnh được nhiều trường hợp vi phạm để tiến hành xử lý, nhất là quá trình đăng ký, đăng kiểm phương tiện.

(Còn nữa)