“Trung bình mỗi ngày, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân tai nạn giao thông (TNGT) ở mọi lứa tuổi. Đa phần bệnh nhân đều bị tổn thương nặng nề, như: Gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, bả vai, đa chấn thương... Nhiều bệnh nhân dù qua cơn nguy kịch phải mang thương tật suốt phần đời còn lại. Người bị TNGT thường chịu những di chứng nặng nề cả về thể chất và tinh thần.” - Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết.
Không thể bù đắp
Những cặp mắt thất thần. Những tiếng khóc nghẹn chẳng cất thành lời. Người nằm bất động, người băng chân, người bó tay… đau âm ỉ với những vết thương. Ở góc phòng, giọt nước mắt của người bố, người mẹ, người anh, người chị cứ lặng lẽ rơi…
Ông Trần Văn Biên, 59 tuổi, ở xã Vạn Thọ (Đại Từ), bàng hoàng kể lại: Chiều hôm ấy (12-11), trên đường đi làm về, đến đoạn đường cua ở phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) thì bất ngờ tôi bị xe taxi chạy cùng chiều lấn làn đâm phải. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong Bệnh viện, ngón tay trái dập nát, xương đùi, xương mác gãy, toàn thân đau đớn.
Sau vụ tai nạn giao thông, ông Trần Văn Biên, ở xã Vạn Thọ (Đại Từ) bị đa chấn thương. Ảnh: L.K |
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình có không ít bệnh nhân là nạn nhân của chính mình khi đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe. Đó là trường hợp em Trần Văn Hải, 19 tuổi, trú tại thị trấn Đu (Phú Lương). Sau một chầu nhậu với bạn bè, Hải đi xe máy về nơi ở. Vì không làm chủ được tay lái nên Hải đã đâm trúng xe ô tô đi ngược chiều. Cú va chạm đã khiến Hải gãy xương 2 bên đùi, toàn thân xây xát.
Ngồi bên cạnh giường bệnh chăm sóc con, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Tuyền, ở thị trấn Đu (Phú Lương), hiện rõ sự mệt mỏi, thất thần: Nghe tin con bị TNGT nặng, tôi vội vay mượn bà con, hàng xóm vài chục triệu đồng để đóng viện phí cho con. Một mình tôi nuôi 3 con nhỏ và mẹ già, nếu thời gian điều trị sau phẫu thuật, điều trị phục hồi kéo dài, kinh tế gia đình sẽ kiệt quệ. Tôi chỉ hy vọng với sức trẻ, con sẽ vượt qua tổn thương để nhanh chóng hồi phục.
Giọt nước mắt lăn dài trên má, Hải nói nghẹn ngào: Giá như hôm ấy em không uống rượu, thì tai nạn đã không xảy ra. Em vẫn có thể vừa đi học vừa đi làm phụ giúp mẹ nuôi bà và các em…
Thế nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn còn người thân sau những cú va chạm giao thông. Mới 6 tuổi, em Như Quỳnh và em Đức Anh 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cách đây 3 tháng, TNGT đã cướp đi cha mẹ của các em. Căn nhà ngày nào đầy ắp tình yêu thương và tiếng cười nay chỉ còn mùi khói nhang lạnh lẽo. Nhìn di ảnh của đôi vợ chồng trẻ trên ban thờ, ai cũng thấy quặn lòng.
Sự ra đi đột ngột của các con khiến bà Nguyễn Thị Thu, xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh (Phú Lương), không khỏi bàng hoàng, đau xót, bà nói: Những tưởng các con đi rồi lại về, ai ngờ là ra đi mãi mãi. Chỉ trong 1 ngày, TNGT đã cướp đi của tôi cả con trai và con dâu. Ngoài 60 tuổi, đáng lẽ tôi được thảnh thơi tuổi già, nhưng giờ lại trở thành điểm tựa duy nhất để hằng ngày lo toan, chăm sóc cho 2 đứa cháu nội thơ dại. Có những đêm, nằm ôm các cháu nhỏ, tôi chỉ biết khóc thương các con, hơn cả là thương các cháu, không biết cuộc đời của chúng sẽ ra sao?
Để không còn những “giá như”…
“Tai nạn giao thông là vấn nạn nhức nhối của xã hội”, “Tai nạn giao thông - nỗi đau của mọi người, mọi nhà”; … những khẩu hiệu ấy đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của nó.
Chỉ có các nạn nhân, người còn giữ được mạng sống nhưng phải mang thương tật suốt đời, hoặc thân nhân của những người bị TNGT cướp đi sinh mạng mới thấm thía.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Phú Bình. Ảnh: T.L |
Theo thống kê, 10 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 92 vụ TNGT nghiêm trọng làm 25 người chết, 93 người bị thương. Đằng sau những con số đó là nỗi đau không thể đo đếm của biết bao gia đình, cha, mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha mẹ... Đáng nói hơn là có những trường hợp gia đình nạn nhân phải đối mặt với khốn khó, nợ nần cho việc chạy chữa, điều trị để cứu sống người thân. Để rồi hàng ngày, phải chứng kiến cảnh người thân chịu sự đau đớn, sống thực vật...
Vẫn biết TNGT là điều không ai muốn. Tuy nhiên, một khi ý thức của người tham gia giao thông chưa cao thì hiểm họa TNGT vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, mà gia đình nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu.
Những hành vi vi phạm pháp luật, như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; qua đường không quan sát; điều khiển phương tiện lấn tuyến; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia,… chính là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT.
Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), cho biết: Nhằm góp phần kiềm chế và đẩy lùi TNGT, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức: Tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa phát thanh, báo chí…; đồng thời tập huấn, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện cho người tham gia giao thông; đặc biệt là tổ chức các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những lỗi trực tiếp dẫn đến TNGT…
Trong “cuộc chiến dài kỳ” ấy, ý thức của người tham gia giao thông luôn là yếu tố quyết định. Mỗi người hãy chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, để chúng ta có thể an toàn trở về nhà, để không còn những chuyến đi cuối cùng vì TNGT, không còn “giá như”…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin