Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người phải đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển xe máy phân khối lớn, còn từ 16-18 tuổi chỉ được đi xe dưới 50 phân khối. Song trên thực tế, hiện nay có nhiều học sinh, nhất là ở bậc THPT trên địa bàn TP. Thái Nguyên điều khiển xe máy trên 50 phân khối trên các tuyến đường. Chưa nói đến việc chưa đủ tuổi, nhiều em còn không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định… Tình trạng này có phần lỗi từ người lớn.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. |
Trong tháng 11 vừa qua, chúng tôi được tham gia một số buổi tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) với lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, học sinh cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP. Thái Nguyên. Qua các buổi làm việc này, chúng tôi nhận thấy, thấy tình trạng học sinh vi phạm quy định về ATGT khá phổ biến.
Khi bị lập biên bản xử lý lỗi vi phạm, Lý Văn T., 17 tuổi, học sinh Trường THPT Khánh Hoà, gãi đầu, ngượng nghịu: Ở Trường cháu đã được tuyên truyền và cũng biết học sinh chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối, nhưng hôm nay cháu đi thi, bị lỡ xe bus nên vội quá mới lấy xe máy đi.
Còn Vũ Hải N., cũng là học sinh Trường THPT Khánh Hoà, vi phạm lỗi chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối và chưa có giấy phép lái xe, lý giải: Nhà xa nên cháu được mẹ cho mượn xe máy đi. Sau lần này cháu rút kinh nghiệm sẽ không vi phạm nữa.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng buổi sáng, chúng tôi chứng kiến lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 17 lượt học sinh vi phạm luật giao thông. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là: Không đủ tuổi điều khiển xe, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, xe không gương. Đáng chú ý, phần đa các trường hợp trên sử dụng xe mô tô, xe gắn máy đều được sự cho phép của bố mẹ. Số ít trong đó giấu bố mẹ, tự lấy xe đi.
Tính riêng hơn 2 tuần qua, lực lượng chức năng đã xử lý 42 trường hợp từ đủ 14-18 tuổi (cơ bản là học sinh) vi phạm giao thông. Tính trong cả năm 2022, đã có hàng trăm trường hợp học sinh vi phạm giao thông bị xử lý, nhắc nhở.
Tuy nhiên, thực tế số học sinh vi phạm chưa bị xử lý có lẽ còn nhiều hơn. Bởi hằng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu. Với nhiều trường hợp ở lứa tuổi tiểu học, vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, do phụ huynh đã “phớt lờ”.
Đối với các học sinh vi phạm trật tự ATGT, Công an TP. Thái Nguyên lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện và thông báo đến trường học, gia đình để có biện pháp phối hợp giáo dục, xử lý. Theo đó, chủ sở hữu xe cũng sẽ bị xử phạt nếu giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Còn trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe phụ huynh, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thường vào đầu mỗi năm học, các quy định về Luật Giao thông đường bộ đều được các nhà trường phổ biến rộng rãi tới học sinh. Như trong tháng 9/2022, thực hiện kế hoạch Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường, Công an TP. Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tại hơn 20 trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn, cho trên 15.000 học sinh, giáo viên. Các nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức cho các em ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, thực tế thì không ít những bản cam kết đó chỉ có hiệu lực bên trong sân trường.
Không ít vụ tai nạn thương tâm thời gian qua đã xảy ra tiếp tục là hồi chuông cảnh báo tới các gia đình về tình trạng quản lý, giao xe máy cho con em khi chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, khi trò chuyện với một số phụ huynh, chúng tôi nhận ra, không ít người còn coi nhẹ việc con em mình chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Một số phụ huynh nghĩ đơn giản rằng, thương con đi học xa nên đã cho sử dụng xe máy của gia đình, mặc dù các con chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy từ 50 phân khối trở lên.
Theo Thiếu tá Đào Đình Huệ, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP. Thái Nguyên: Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, khiến học sinh bị thương và tử vong khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy. Để giảm thiểu tình trạng này, ngoài sự vào cuộc của lượng chức năng trong tuần tra, xử lý, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường và gia đình giúp các em nâng cao ý thức chấp hành các quy định về tham gia giao thông an toàn. Trong đó, điểm mấu chốt là mỗi phụ huynh cần sát sao quản lý, giáo dục con em, làm gương trong việc chấp hành giao thông. Đặc biệt là tuyệt đối không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển xe, không có giấy phép lái xe.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin