Hiện nay, tình trạng thả rông, chăn dắt các loại vật nuôi diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường giao thông nông thôn, thậm chí cả quốc lộ, tỉnh lộ - nơi phương tiện lưu thông đông đúc, gây nguy hiểm, phiền toái cho người tham gia giao thông. Nhiều trường hợp do đàn trâu, bò, dê quá đông nên người đi đường phải dừng xe nhường đường cho chúng, gây ách tắc giao thông.
Đàn trâu chiếm phần đường dành cho xe cơ giới trên đường Bắc Sơn kéo dài, đoạn qua khu vực phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên). |
Do điều kiện công việc, hàng ngày, anh Nguyễn Minh, ở phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) đều lái xe đi trên đường Bắc Sơn kéo dài. Anh cho biết: Trên tuyến đường này, đoạn qua khu vực xã Quyết Thắng luôn có nhiều đàn trâu, bò, dê được người dân chăn thả tự do. Chúng không chỉ gặm cỏ ven đường mà còn thoải mái chạy nhảy, phóng uế bừa bãi suốt chiều dài mặt đường vừa gây mất an toàn giao thông vừa ảnh hưởng đến môi trường.
Tuy nhiên, đoạn qua khu vực phường Thịnh Đán và phường Quang Trung mới thực sự là nỗi hãi hùng của anh Minh và những người phải thường xuyên đi lại trên đoạn đường này. Đó là những đàn trâu hàng chục con lớn nhỏ của các hộ chăn nuôi kinh doanh hàng ngày được lùa di chuyển đến các bãi chăn thả vào buổi sáng và từ bãi về lúc cuối chiều.
Nhiều người tham gia giao thông đều rất bức xúc khi chứng kiến cảnh tắc nghẽn giao thông khi tất cả các xe ô tô, mô tô phải dừng lại hàng chục phút nhường đường cho đàn trâu nghênh ngang diễu trên phố. Đáng nói là đàn trâu, bò khó kiểm soát, di chuyển hỗn loạn, khi nghe tiếng còi xe thì hoảng loạn lồng lên chạy lung tung, rất dễ gây thương tích cho người đi đường.
Nhiều người dân trú tại tổ dân phố số 2, phường Thịnh Đán đã nhiều lần phản ánh việc một số hộ thường xuyên chăn dắt trâu trên đường giao thông trong khu dân cư gây mất an toàn giao thông, đáng nói hơn là những người này thường xuyên để trâu phóng uế ra đường gây ra mùi hôi thối khó chịu, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày. UBND phường Thịnh Đán cũng đã yêu cầu các hộ dân chăn nuôi cam kết không vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra.
Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người tham gia giao thông bị thương tích, hư hỏng tài sản khi va chạm với trâu, bò thả rông, hoặc do tránh vật nuôi nên bị ngã. Phần lớn các vụ việc này khi xảy ra đều được hai bên tự thoả thuận giải quyết trên cơ sở “tình nghĩa xóm giềng” do cùng là người địa phương có quen biết nhau. Chính vì sự dễ dãi này nên nhiều người chăn nuôi vẫn không nhận thức được việc làm của mình gây nguy hiểm cho cộng đồng, hơn nữa còn vi phạm pháp luật.
Để chấm dứt tình trạng đàn gia súc đi lại trên đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, đề nghị các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm khắc các chủ nuôi vi phạm.
Theo quy định hiện hành, việc dẫn súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới là hành vi không được phép và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019 của Chính phủ. Đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn thì người chủ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin