10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 102 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 19 người chết, 109 người bị thương. Mặc dù số người tử vong do TNGT giảm, song số vụ tăng 10 vụ, số người bị thương tăng 16 người so với cùng kỳ năm 2022. TNGT đã và đang trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhiều gia đình. Hậu quả của TNGT để lại là nỗi đau, những gánh nặng về vật chất, tinh thần cho người trong cuộc và xã hội.
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh thăm, tặng quà nạn nhân tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi vụ TNGT thương tâm xảy ra với con gái và cháu ngoại, ông Dương Bá Sen, ở phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên), vẫn chưa hết đau buồn. Hôm ấy, trên đường đưa con trai đi học, con gái ông Sen - chị Dương Thị Quỳnh đã bị xe ô tô tải chở đất ở gần nhà không kiểm soát được tốc độ dẫn đến gây tai nạn. Do bị đâm va quá nặng, chị Quỳnh bị mất nhiều máu, gióng chân phải bị dập nát, buộc phải cắt bỏ, gẫy khuỷu chân trái. Còn cháu Dương Gia Huy (7 tuổi, con trai chị Quỳnh) cũng bị bánh xe đè vào bắp chân, gây tổn thương nặng, liên tục phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để nối gân, nối tĩnh mạch, ghép da... Hiện, cháu vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện 108.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Bá Sen nghẹn ngào: Vài năm nay, con gái và cháu về ở với chúng tôi. Trước khi tai nạn, Quỳnh là công nhân Samsung Thái Nguyên và là lao động chính trong gia đình...
Khoảng 3 năm trước, TNGT cũng tước đi khả năng lao động của anh Lê Văn Sáu ở xóm La Đành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ). Do không để ý phương tiện khi sang đường, anh Sáu bị một xe máy xô ngã và ngất lịm. Bị chấn thương sọ não và trải qua thời gian dài phẫu thuật, điều trị, anh Sáu trở về nhà khi trí não không còn minh mẫn như trước.
Ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng xóm La Đành, cho hay: Từ lao động chính trong nhà, giờ anh Sáu đi lang thang khắp nơi, lúc thì hát, lúc lại lẩm bẩm một mình. Thấy hoàn cảnh khó khăn, bà con trong xóm thi thoảng bảo nhau sang thăm nom, giúp đỡ. Năm ngoái, huyện đã hỗ trợ xây dựng cho anh Sáu một căn nhà mới, kiên cố hơn…
Công an huyện Đại Từ tuyên truyền về kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. |
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, thông tin: Trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 10-12 bệnh nhân TNGT ở mọi lứa tuổi, cao điểm có thể lên tới 20 ca bệnh/ngày. Phần lớn bệnh nhân đều bị tổn thương nặng nề, như: Gãy xương đùi, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng, đa chấn thương... Thông thường, những bệnh nhân bị TNGT tối thiểu sau 3 tháng mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường, nhiều trường hợp điều trị nan giải, kéo dài. Không chỉ tốn kém chi phí điều trị, tốn kém thời gian để nghỉ dưỡng, nhiều bệnh nhân còn chịu những di chứng nặng nề về cả thể chất và tinh thần…
Không chỉ có những trường hợp nêu trên mà rất nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã và đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề, lâu dài của TNGT, thậm chí là phải đánh đổi bằng tính mạng. Nhiều gia đình nạn nhân phải đối mặt với khốn khó, nợ nần cho việc chạy chữa, điều trị để cứu sống người thân.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, phần lớn vụ TNGT đều do ý thức, thiếu kỹ năng của người tham gia giao thông với các lỗi phổ biến, như: Đi không đúng làn đường, phần đường; tránh, vượt sai quy định; chuyển hướng không quan sát; không nhường đường; sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe...
Những năm qua, không ít những chương trình hành động, các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát,… đã được cơ quan chức năng triển khai tích cực với nỗ lực kiềm chế TNGT và những tổn thất về người, tài sản. Song, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của mọi người…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin