Những năm gần đây, Thái Nguyên đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 86% số dân sử dụng Internet với hơn 1 triệu thuê bao Internet di động và 251 nghìn thuê bao cáp quang Internet.
Người dân Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), sử dụng Internet trong đời sống hằng ngày để trao đổi, giao tiếp với người thân, bạn bè. |
Với nhu cầu ngày một gia tăng và khả năng đáp ứng về hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông, độ phủ của dịch vụ Internet băng thông rộng trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Riêng đối với dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng, độ phủ đã tăng tới 2 lần trong 5 năm trở lại đây. Với ưu điểm phục vụ truy cập tốc độ cao, ổn định và chi phí đầu tư hợp lý, Internet cáp quang băng thông rộng đang ngày càng phổ biến, tạo nền tảng hạ tầng cho quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh.
Tính đến hết quý I năm 2023, toàn tỉnh có 99,7% xóm được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang (còn 10 xóm chưa được cung cấp dịch vụ). Tốc độ tải về của dịch vụ này cũng có mức tăng trưởng cao và hiện đạt trung bình gần 80Mbps, tăng gần 30% so với năm 2021, tương đương mức trung bình toàn quốc.
Toàn tỉnh hiện có 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính và 72% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng với 251 nghìn thuê bao.
Đối với Internet di động băng thông rộng, các nhà cung cấp dịch vụ như: Vinaphone, Viettel, Mobifone… cũng quan tâm đầu tư, mở rộng các trạm phát sóng 3G, 4G và bước đầu là mạng 5G tại một số địa bàn.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 1,8 nghìn điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS). Qua đó, tỷ lệ người dùng Internet di động băng thông rộng cũng ngày một gia tăng. Đến hết quý I năm nay, toàn tỉnh có hơn 1 triệu thuê bao Internet di động băng thông rộng trong tổng số gần 1,76 triệu thuê bao điện thoại di động, chiếm tỷ lệ hơn 57,5%.
Với dịch vụ Internet đạt tốc độ tải về tới 100 mbps, người dân xóm Ba Họ, xã yên Ninh (Phú Lương), có thể thực hiện các cuộc gọi video qua ứng dụng Zalo tới những người thân ở xa. |
Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông), cho biết: Để có kết quả trên, những năm gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển và lắp đặt thêm hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ Internet, đặc biệt là tại vùng sâu. vùng xa. Song song với đó, Sở cũng hỗ trợ để các nhà cung cấp nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đường truyền phục vụ tốt cho người dùng đầu cuối trong việc sử dụng băng thông rộng.
Riêng năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn xây dựng và triển khai mới hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng đến 19 xóm, trong đó 10 xóm được triển khai hạ tầng thông tin di động băng thông rộng và 9 xóm được triển khai hạ tầng cáp quang băng thông rộng. Các doanh nghiệp viễn thông cũng sắp xếp, chỉnh trang, nâng cấp 18 tuyến cáp quang Internet với tổng chiều dài gần 42km.
Việc phát triển hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng đã góp phần giúp Thái Nguyên trở thành một trong các địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao trong toàn quốc, với 86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet tính đến hết quý I năm nay, tăng 16% so với thời điểm năm 2020.
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Với nhu cầu CĐS ngày càng cao, việc phát triển hạ tầng băng thông rộng để bảo đảm kết nối Internet sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đây là điều kiện cần thiết để tỉnh thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ người dùng Internet làm nền tảng xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong lộ trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển Internet cáp quang băng rộng đến 80% hộ gia đình, 100% xóm và tốc độ kết nối đạt 200Mbps trở lên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin