Một mô hình nuôi ba ba

14:36, 15/05/2008

Từng là đồng đội trên chiến trường, trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa lại gắn bó, đoàn kết, tìm đến bên nhau chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn, rồi cùng nhau tìm hướng làm kinh tế.

Đó là bốn cựu chiến binh ở xóm 4 - Trung Thành - Vô Tranh (Phú Lương) đang xây dựng mô hình nuôi ba ba với qui mô khá lớn, đưa lại hiệu quả cao trong phong trào phát triển kinh tế gia đình.

Bắt đầu từ ông Nguyễn Duy Lưu, cựu chiến binh ở xóm 4 Trung Thành từng là gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, công việc chăn nuôi cũng có lúc không suôn sẻ nên hiệu quả kinh tế của gia đình đã không đạt như mong muốn.

Đang trong lúc loay hoay chuyển hướng phát triển kinh tế, năm 2005 ông đã gặp lại những người đồng đội năm xưa: Ông Nguyễn Công Thành, Nguyễn Thành Chung ở phường Túc Duyên và ông Nguyễn Mạnh Hùng ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Qua tính toán họ cùng nhau góp vốn xây dựng ao, nuôi thả ba ba.

Khi các ông đưa ra ý tưởng này, nhiều người đã cho rằng nuôi ba ba sẽ gặp không ít khó khăn vì trên thực tế đã có nhiều mô hình thất bại. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu địa hình, bàn bạc thống nhất phương thức góp vốn, quản lý, các ông đã đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng 7 khu ao.

Năm 2005, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư trang trại, các ông đã thả 1 vạn con ba ba giống. Các ông luôn phân công nhau, bố trí lịch chăm sóc, kiểm tra chất lượng nước đầy đủ. Ngoài kinh nghiệm học tập được từ những mô hình chăn nuôi từ các tỉnh, cùng với những kiến thức học tập trên sách vở, các ông đã đặc biệt quan tâm tới môi trường sống, nhiệt độ, giai đoạn phát triển của ba ba... Đồng thời, các ông cũng quan tâm chăn, thả những loại thức ăn phù hợp, phân chia khu vực hợp lý theo độ tuổi, trọng lượng của ba ba. Hiện, đàn ba ba khoảng 1 vạn con đang sinh trưởng khá với trọng lượng từ 2-3kg. Ba ba ngày một phát triển, cần một lượng thức ăn lớn, các ông lại tiếp tục huy động các hội viên đóng góp vốn.

 Không dừng lại ở việc nuôi ba ba thịt, thời gian gần đây, các ông đã tìm tòi cách nhân giống ba ba theo công nghệ Thái Lan, cung cấp cho các trang trại quanh vùng. Với những trang trại mua giống, các ông đã hướng dẫn kỹ thuật tỷ mỷ, riêng hội viên cựu chiến binh được mua với giá ưu tiên.

Ngoài 13ha rừng, 4ha chè, 1ha trồng măng tre Bát Độ thu về hàng trăm triệu đồng, hiện mô hình kinh tế trên đã có thu nhập 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động (là con em hội viên cựu chiến binh) với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Những người lính năm xưa đã tạo được mô hình kinh tế phát triển, trở thành điển hình của địa phương, là tấm gương sáng về phẩm chất bộ đội cụ Hồ.