Tân Hương không còn thuần nông

09:43, 15/05/2008

Bao đời nay, mọi chi tiêu trong gia đình người dân Tân Hương chủ yếu vẫn trông cả vào cây lúa, củ khoai. Chẳng thế nên, đủ ăn đã là mừng, chứ mấy ai dám mơ đến 2 chữ “làm giàu”.

Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, tư duy đó của người dân trong xã đã thay đổi, nhờ vào việc thu hút được trên 10 dự án lớn, nhỏ vào đầu tư tại xã. 20% số dân đã chuyển sang bán nông nghiệp; 10% số dân gần như đã chuyển hẳn sang buôn bán, kinh doanh, dịch vụ...

Quả thật, bộ mặt xã Tân Hương hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Đường nhựa được chạy thẳng tới trung tâm xã. Đường vào các xóm cũng đã cơ bản được đổ bê tông. Trường học, trạm xá được xây dựng khang trang. Sự trù phú, no ấm thể hiện trên từng ngôi nhà được xây dựng kiên cố với nhiều kiểu dáng hiện đại. Trong bảng thành tích, Tân Hương được liệt kê với nhiều kết quả dẫn đầu, được cấp trên ghi nhận, khen thưởng: Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư phát triển mạnh mẽ; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh, gọn; thu hút được nhiều nhà đầu tư; hàng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách…

Chỉ tính riêng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 1,3 tỷ đồng, đạt 110% KH được giao; thu ngân sách trên 1,7 tỷ đồng, đạt 156% KH; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn trên 8%... Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục có bước phát triển, các mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại, thuỷ sản, phát triển đàn bò thịt… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Đàn gia cầm, đàn lợn, đàn bò… đều tăng từ 5- 10% so với cùng kỳ. 50 ha diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển sang các mục đích sử dụng khác, nhưng nhờ nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nên sản lượng lương thực vẫn đạt chỉ tiêu, kế hoặch đề ra, năng suất lúa bình quân đạt trên 48 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.500 tấn. Giá trị thu nhập từ nông nghiệp vẫn bằng hoặc cao hơn trước.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho rằng: Để xã đạt được những kết quả như vậy trước hết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền; các nghị quyết đưa ra đều bán sát tình hình thực tế nên dễ dàng đi vào cuộc sống của người dân. Tân Hương có một đội ngũ cán bộ không chỉ đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm trước các công việc được giao mà còn có năng lực chuyên môn khá vững vàng. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư phát triển mạnh mẽ nên từ mỗi người dân đã có ý thức trong việc đóng góp công sức, tiền của để xây dựng Tân Hương ngày càng phát triển. Tân Hương đã không phải vất vả, mất nhiều thời gian khi tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng- công việc vốn được coi là rất "nhậy cảm" và rất khó khăn đối với nhiều địa phương.

Thuận lợi thì đã rõ, nhưng Tân Hương cũng chưa phải đã hết những khó khăn như: Vấn đề việc làm cho thanh niên; tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số xóm vẫn còn chậm… Để Tân Hương thực sự phát triển, đời sống người dân được no ấm vẫn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớp của cán bộ và nhân dân trong xã.