Bình Yên - nhịp sống mới

13:34, 07/05/2009

Với thế mạnh về phát triển cây chè, lúa bao thai đặc sản, chăn nuôi đại gia súc và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, Bình Yên - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hoá trước đây, giờ đang bước vào nhịp sống mới - nhịp sống của bộ mặt nông thôn hiện đại.

Ma Khắc Bốn là một trong nhiều thanh niên trẻ của xóm Đoàn Kết, xã Bình Yên biết tự lập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2003, Bốn đã tham gia học nghề ở một cơ sở sản xuất mành cọ trong huyện. Sau khoá học anh về xã đầu tư 3 máy dệt mành cọ và đặt mua lại nguyên liệu của người dân trong làng. Ban đầu sản phẩm làm ra còn chưa tinh xảo, nên bán rất chậm, nhưng với tinh thần ham học hỏi, chịu khó rút kinh nghiệm và thay đổi cách làm, dần dần sản phẩm mành cọ do cơ sở của Bốn sản xuất đã được thị trường chấp nhận và tiêu thụ rất tốt. Hiện nay, cơ sở của anh luôn có 4 lao động làm việc liên tục, xuất xưởng mỗi tháng khoảng 3 nghìn sản phẩm, thu lãi khoảng 6 triệu đồng. Sản phẩm mành cọ từ cơ sở của Bốn được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu ở T.X Sông Công và tỉnh Phú Thọ. Trò chuyện với chúng tôi, Ma Khắc Bốn tâm sự: Thực ra, lúc đầu em định chọn nghề khác, nhưng lại nghĩ nếu mình làm mành cọ thì rất thuận vì có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào (cây cọ), đầu tư ít, dễ làm mà lợi nhuận thu về cũng khá.

 

Cũng là người trẻ tuổi, Hà Văn Thái, xóm Yên Thông rất nổi bật trong đầu tư phát triển kinh tế của xã. Sau nhiều năm "lang bạt" làm nghề sản xuất vật liệu xây dựng ở nhiều địa phương khác nhau, mấy năm gần đây Thái trở về địa phương đầu tư xản xuất gạch nung phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Hiện tại, cơ sở của anh có 4 lò gạch luân phiên sản xuất với khoảng 4 vạn viên gạch/lò, góp phần giải quyết từ 10 đến 20 lao động địa phương. Chúng tôi có mặt tại cơ sở của Thái đúng vào thời điểm anh chị em lao động đang hối hả ra lò. Gặp chúng tôi, anh Thái cho hay: Cơ sở của chúng tôi đang đầu tư xây dựng lò gạch liên hoàn với công suất 5 nghìn viên/ngày. Đây là loại lò gạch được cải tiến về công nghệ nên sẽ cho ra lò những sản phẩm chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Ngoài phát triển các ngành nghề thủ công, nhiều hộ dân trong xã đã biết phát huy lợi thế vốn có của địa phương để phát triển kinh tế trang trại. Bình Yên hiện có cả chục trang trại quy mô lớn, chủ yếu phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi. Gia đình ông Ma Khắc Châu, xóm Thẩm Lộc đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn thả cá thịt. Với hơn 1ha ao nước sâu, ông thả các loại cá kinh tế như: trắm, chép, mè, xuất hàng tại ao và giao bán tại các chợ địa phương mỗi mẻ có tới vài tạ. Cũng ở xóm Thẩm Lộc có mô hình trang trại của gia đình ông Ma Khắc Tươi chuyên chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có trên 50 con lợn sinh sản và nhiều lợn giống, lợn thịt…

 

Qua một số mô hình làm kinh tế tiêu biểu trên đây cũng có thể thấy Bình Yên đang từng bước chuyển mình đi lên. Nhịp sống mới, nhịp sống nông nghiệp, nông thôn hiện đại đã và đang tồn tại trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận nhân dân trong xã đã từng ngày thay đổi. Tư duy về làm giàu và hướng tới cuộc sống no đủ cũng hiện hữu trong mỗi người dân nơi đây. Chính những nét mới, tích cực này một phần lớn xuất phát từ sự năng động, dám mạnh dạn đổi mới của tập thể lãnh đạo trong xã.

 

Ông Ma Công Cằn, Bí thư Đảng uỷ xã Bình Yên cho biết: "Tính định hướng trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương được thể hiện rất rõ tại các nghị quyết của Đảng bộ xã. Xã luôn xác định phát triển kinh tế trên cơ sở huy động tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương". Là vùng đất có thể trồng lúa Bao thai đặc sản, xã đã chỉ đạo xây dựng vùng lúa Bao thai năng suất, chất lượng cao để phục vụ tốt mục tiêu phát triển gạo Bao thai hàng hoá của cả huyện. Tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm của xã là 283ha, trong đó một phần không nhỏ diện tích dành cấy lúa Bao thai, năng suất từ 47 tạ đến 52 tạ/ha. Ngoài xác định lúa là cây trồng chủ lực, xã cũng chọn cây chè là cây kinh tế mũi nhọn. Đi đôi với trồng chè mới để tăng diện tích hiện có, xã rất chú trọng đến chỉ đạo việc cải tạo và đẩy mạnh thâm canh cây chè. Đến nay, toàn xã đã có gần 210ha chè, trong đó có 190ha chè kinh doanh. Ngoài ra, xã rất quan tâm đến phát triển dịch vụ và ngành nghề phụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của xã cũng đạt trên 2 tỷ đồng, trong đó dịch vụ chiếm tới 85%. Xã cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương thông qua các chương trình, dự án và chủ trương phát triển ngành nghề phụ trên địa bàn. Mỗi năm xã cũng tạo việc làm mới cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập ổn định.

 

Kinh tế dần phát triển, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống nhân dân trong xã thay đổi rõ rệt từng ngày. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 35,3% (tương đương khoảng 287 hộ), giảm gần 5% so với năm 2008. 100% số xóm, bản trong xã đều xây dựng được nhà văn hoá; tỷ lệ hộ nghèo phải sống trong nhà dột nát còn rất ít; hệ thống trường học, trạm y tế, công trình điện, đường giao thông cơ bản được xây dựng khang trang; các phương tiện, tiện nghi hiện đại cũng chiếm đa số trong đời sống người dân…