Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam 2015 có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh, tốc độ hồi phục không đồng đều. Dù triển vọng khá tích cực, song các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam nên duy trì con đường tăng trưởng thận trọng, quan tâm duy trì ổn định hơn là tăng trưởng nhanh; cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên chứ không thể 30 năm đổi mới vẫn chỉ khai thác tài nguyên, nặng về gia công lắp ráp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) nội địa phát triển, tăng trưởng chứ không chỉ dựa vào các DN nước ngoài như Samsung, LG… như hiện nay.
Theo số liệu đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, khả năng tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay của cả nước có thể đạt, thậm chí vượt nhẹ mục tiêu đề ra, trong khi việc kiểm soát lạm phát chắc chắn tốt hơn dự kiến. Triển vọng khả quan ấy cho phép chúng ta có thể yên tâm để hình dung sơ bộ về chiều hướng và triển vọng phát triển kinh tế của năm tới.
Năm 2015 là năm khởi đầu cho những thay đổi về chính sách, thể chế với nhiều luật có hiệu lực, trong đó có Luật Ðầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi). Các thủ tục sẽ giảm bớt, quyền tự do kinh doanh và vai trò của DN được nâng cao, DN tự chủ hơn trong sản xuất, kinh doanh,... Thông thoáng về thủ tục hành chính là rất tốt, song quan trọng và cần hơn nữa là thái độ của các "công bộc" phục vụ nhân dân. Năm 2015 cũng là năm sẽ có động lực phát triển mới khi chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả rõ rệt hơn; nước ta bắt đầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và có thể tham gia một số hiệp định kinh tế khác. Ðiều đó buộc các DN phải năng động hơn, đổi mới cách nghĩ, cách nhìn, nhận rõ cơ hội và thách thức để có phương án kinh doanh phù hợp; nền kinh tế sẽ phải năng động hơn, không còn "thu mình" và ở trong tình thế "chống chế" như trước đây. Mặc dù vấn đề lạm phát đã kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đang “ngổn ngang” như bội chi ngân sách, nợ công, vấn đề kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng... cần nỗ lực giải quyết mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Cùng với cả nước, tỉnh ta vừa kết thúc năm 2014 với nhiều bứt phá ấn tượng. Năm 2014 là năm đánh dấu sự phát triển kinh tế - xã hội chưa từng có của tỉnh. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 18,6%, (là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao đột biến so với cả nước); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, tăng 640% so với cùng kỳ năm trước và bằng 334% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, bằng 820% kế hoạch, gấp 33 lần năm 2013 và nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,2 tỷ USD, xếp thứ nhất cả nước; đặc biệt tỉnh đã thu hút được Tập đoàn Samsung đầu tư 6,4 tỷ USD, xây dựng thành “cứ điểm" hoàn chỉnh mạnh nhất toàn cầu. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những kết quả đó đã tạo nên sức bật mới khả quan, những khởi đầu thuận lợi cho năm 2015 - Năm về đích của nhiệm kỳ 2010-2015.
Tuy có nhiều thuận lợi, song năm 2015, tỉnh ta vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Khả năng các DN tiếp cận tham gia sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung còn hạn chế, chủ yếu vẫn do doanh nghiệp FDI thực hiện; nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn chế, cần phải tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội để phục vụ đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng từ khu vực nông thôn đến đô thị; tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến các công trình phục vụ phát triển sản xuất và an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề giải quyết nhu cầu về nhà ở cho hàng vạn người lao động đã và đang làm việc tại hai khu công nghiệp lớn là Yên Bình, Điềm Thụy và các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp trong tỉnh cần nỗ lực vào cuộc ngay từ những ngày đầu của năm, quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp giai đoạn mới.
Trong bối cảnh hội nhập, có lẽ chúng ta cần có cơ chế quản lý đầu tư nước ngoài, bảo đảm hài hòa lợi ích với các DN trong nước. Và một vấn đề hết sức quan trọng là phải kiên quyết đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Các ngành chức năng cần kiên quyết và có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý triệt để "vấn nạn" này, để sự kết hợp giữa Nhà nước và các DN kinh doanh chân chính đem lại sự lành mạnh cho nền kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Năm 2015, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP cả nước khoảng 6,2%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%. Trong khi đó cho đến nay, hầu hết các tổ chức nước ngoài đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 sẽ ở mức dưới 6% (cao nhất là HSBC dự báo 5,8%; ADB là 5,7%; WB là 5,5%...). Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 21 đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 của tỉnh là 15%.