Từ chiếc máy gặt đập liên hoàn đến cơ giới hóa nông nghiệp: Khoảng trống cần lấp đầy

17:02, 02/01/2015

Đang thời điểm vụ đông, những chiếc máy gặt đập liên hoàn (máy gặt) được các gia chủ cất gọn vào kho chờ vụ mới. Mặc dù vụ gặt mới còn hơn 4 tháng nữa và một xứ đồng, một xã chỉ có một đến hai chiếc máy gặt, nhưng ngay từ bây giờ gia chủ đã phải đôn đáo tìm hợp đồng gặt thuê. Được biết, dịch vụ gặt thuê không có nhiều yếu tố cạnh tranh, nhưng tìm được một xứ đồng thu hoạch cùng một thời điểm để máy hoạt động liên tục là rất khó khăn. Chính vì vậy, mỗi gia chủ sau khi đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy lại canh cánh nỗi lo tìm việc.

Những ngày này trên đồng đất xã Phấn Mễ (Phú Lương) đang vào vụ chăm sóc ngô đông và các loại rau màu, nhưng anh Nguyễn Đức Trưởng, chủ của hai chiếc máy gặt cỡ nhỏ (loại khổ lưỡi cắt 1,4m) đã đôn đáo đi tìm việc tại các xứ đồng huyện Định Hóa, và tỉnh Bắc Kạn. Anh cho biết: “Vì đã đầu tư trên 200 triệu đồng mua máy, bảo dưỡng, thay thế linh kiện, nên tôi  không muốn cho máy nghỉ khi vào vụ. Gặt xong xứ đồng này lại chuyển máy sang vùng khác có khung thời vụ muộn hơn. Nếu không hợp đồng được thì “treo máy” coi như vừa mất tiền trả vốn vay ngân hàng, vừa ngồi chơi chờ việc”. Năng động là vậy, nhưng cũng không phải lúc nào cũng tìm đủ việc, vì mỗi vùng đều có người đầu tư máy, coi như chiếc máy đó làm dịch vụ tại chỗ. Tuy nhiên, khó khăn đối với các chủ máy lại là công việc thiếu ổn định, lắt nhắt do trên cùng một xứ đồng, người dân cấy nhiều chủng loại giống lúa khác nhau, nên máy vừa gặt, vừa chờ lúa chín.

 

Anh Trưởng tâm sự: “Cách đây 4 năm, khi mới đầu tư máy gặt, xứ đống Phấn Mễ, Tức Tranh, Vô Tranh, Giang Tiên… bà con thường cấy một đến hai chủng loại giống lúa, nhưng nay nhiều thửa ruộng cấy không đồng bộ, quy trình chăm sóc cũng khác nhau, gốc rạ cũng cao thấp khác nhau, nên máy gặt không thể chạy liền mạch. Nhiều khi gặt đi rồi lại quay trở lại, rất tốn kém nhiên liệu. Trước đây mỗi ngày máy gặt liên tục được 3 sào/ngày, nay chỉ gặt được 2-2,5 sào/ngày, còn lại phải chờ, hoặc di chuyển máy đi xa”. Cũng từ những khó khăn này nên giá thành gặt mỗi sào lúa tăng từ 140 nghìn lên 160 nghìn đồng, có những thửa ruộng phải đội phí lên 200 nghìn đồng/sào.

 

Cũng như anh Trưởng, năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, xóm Chiềng, xã Lương Phú (Phú Bình) được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng theo chương trình khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp khi mua chiếc máy trị giá trên 150 triệu đồng. Chị  Quyên cho biết: “Vụ xuân năm 2012, tôi làm dịch vụ gặt ngay tại cánh đồng ở xã đã cho thu 40 triệu đồng. Khi đó, trên cánh đồng của xã, vụ xuân chỉ cấy chủ yếu giống lúa Khang dân; vụ mùa cấy giống U17 nên mỗi ngày máy của gia đình gặt được từ 7-8 sào lúa. Chi phí thu hoạch khi sử dụng dịch vụ máy gặt đối với bà con nông dân cũng giảm từ 250 nghìn (thuê gặt thủ công)/sào xuống còn 160 nghìn đồng/sào, thời gian nhanh gấp 10 lần”. Tuy nhiên, sang đến vụ năm 2014 này, trên cánh đồng xã đã cấy thêm nhiều giống mới như BTE1, U17… nên thời gian thu hoạch chênh nhau từ 7-10 ngày. Để đảm bảo công suất hoạt động của máy liên tục và hơn nữa là bảo đảm thu nhập, thanh toán vốn vay ngân hàng, gia đình chị đã phải vận chuyển máy sang các xã Thanh Ninh, Dương Thành, rồi sang xã Nhã Nam  (Bắc Giang) để tìm việc. Chị Quyên chia sẻ: “Nếu như trong quy trình sản xuất có được sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nhà nước (cơ quan quản lý và chỉ đạo về cơ cấu giống), nhà nông và nhà doanh nghiệp thì các hoạt động sẽ tạo được sự liên hoàn, đồng bộ thì người dân chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hoạch bầng máy nông nghiệp".

 

Từ thực tế hoạt động của một quy trình sản xuất cây lúa theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa đã thấy tính bất cập trong các khâu quản lý, vận hành. Nếu như thiếu vai trò hợp tác trong các khâu sản xuất sẽ gây những thiệt hại không nhỏ đến các mục tiêu đầu tư lớn. Trước mắt là thiệt hại cho các hộ gia đình làm khâu dịch vụ, sau nữa là tổn thất từ các chương trình tư vấn, tập huấn về quy trình chăm sóc cây trồng và sâu xa hơn là lãng phí đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản suất, vô hình tạo những khoảng trống kéo chậm quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.