Nhiều hàng hóa chưa giảm cùng giá xăng

15:05, 02/01/2015

Đợt giảm giá mạnh xăng, dầu ngày 22-12 đưa mặt hàng này có lần giảm thứ 12 liên tiếp trong năm 2014, và đây cũng là lần giảm giá mạnh nhất trong năm. So với thời điểm cách đây 6 tháng khi giá xăng, dầu ở mức đỉnh điểm thì hiện, giá xăng, dầu đã giảm được khoảng 30%. Vậy việc giảm giá mặt hàng được cho là thiết yếu, vốn có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống của người dân đã và đang tác động đến các loại hàng hóa khác như thế nào?

Trước thông tin giá xăng dầu giảm, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) và người dân đều vui mừng, bởi theo cách mà nhiều người lý giải thì ít nhất, họ cũng tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc mua xăng để đi lại hàng ngày. Và ở mỗi người, mức độ vui mừng lại có sự khác nhau. Chị Nguyễn Tuyến Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên cho hay: Xăng dầu là một trong các yếu tố cấu thành giá thành sản phẩm. Khi giá xăng dầu giảm, đồng nghĩa với chi phí đầu vào giảm, vì thế, giá bán sản phẩm của Công ty cũng giảm. Nếu như trong quý III/2014, chi phí vận tải cho mỗi tấn phân bón vào khoảng 300 nghìn đồng/300km cả đi lẫn về, thì nay, chi phí này chỉ còn khoảng 220-250 nghìn đồng/tấn. Theo đó, giá trung bình mỗi tấn phân bón bán đến người nông dân giảm khoảng 60.000 đồng. Nếu đem số giảm này nhân với số lượng trên dưới 70 nghìn tấn phân bón mà Công ty bán được trung bình mỗi năm thì số lợi mang về cho bà con sẽ là trên 4 tỷ đồng. Với việc giảm được giá bán cho bà con đã và đang giúp Công ty tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Còn theo chị N.T.T, Giám đốc một DN vận tải hàng hóa tư nhân ở phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên thì tuy giá xăng dầu thời gian qua liên tục giảm nhưng chúng tôi không thể giảm giá cước vận chuyển như cơ quan tài chính vẫn tính là 5-10% bởi ngoài nhiên liệu còn có nhiều chi phí khác cấu thành trong giá thành vận tải, trong khi đó có một số chi phí khác có xu hướng tăng. Thêm vào đó, chị T cũng không ngần ngại cho biết một nguyên nhân khác khiến DN của chị cũng như nhiều DN vận tải khác không thể giảm giá nhiều là do việc kiểm soát xe quá tải vẫn khiến các DN gặp khó khăn. Tuy vậy, so với thời gian đầu siết chặt tải trọng thì hiện nay, giá cước vận tải đã giảm khá đáng kể, trong đó có một phần từ giá xăng, dầu giảm.

 

Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo một đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh cũng cho biết: Khi giá xăng dầu giảm, các DN đúng là có “dễ thở” hơn, tuy nhiên, việc giảm giá này không phải xảy ra cùng một lúc, mà kéo dài trong nhiều tháng thành nhiều lần, do vậy, nếu mỗi lần giá xăng dầu giảm mà điều chỉnh giảm giá hàng hóa là điều không thể. Hơn nữa, việc vận chuyển hàng hóa của DN chủ yếu là đi thuê, cho nên khi DN vận tải không giảm giá cước hoặc giảm không đáng kể thì DN cũng rất khó để có thể giảm giá bán sản phẩm.

 

Vậy đối với các DN kinh doanh vận tải chở người thì sao? Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Việt Vịnh, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), Công ty đã lên kế hoạch điều chỉnh giá vé đối với từng loại hình vận tải mà Công ty đang có, với mức giảm chung trên dưới 10% so với giá cước hiện nay. Được biết, đây cũng là mức giảm mà nhiều công ty vận tải sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2015.

 

Được cho là một trong những mặt hàng có mức giảm lớn và có sự thay đổi nhanh chóng cùng giá xăng, dầu, giá gas hiện tại so với lúc đỉnh điểm đã giảm tới trên dưới 100.000 đồng/bình 12kg. Theo anh Nguyễn Tiến Cường, Chủ kinh doanh gas ở phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên: Nếu như hơn 2 tháng trước, giá 1 bình gas 12kg thông thường là 380 nghìn đồng, thì hiện chỉ còn 310 nghìn đồng (lần giảm gần đây nhất là vào ngày 28-12 với mức giảm 10 nghìn đồng/bình) và dự báo, nếu giá xăng dầu giữ ổn định như hiện nay hoặc tiếp tục xu thế giảm thì giá gas nhiều khả năng sẽ giảm thêm.

 

Không có mức giảm như với gas và một số loại hàng hóa khác, giá lương thực, thực phẩm - loại hàng hóa được người dân kỳ vọng và mong chờ giảm nhiều nhất bởi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu hàng ngày của người dân thì lại hầu như không có sự biến động tích cực nào. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên cho biết: Lâu nay, các loại hàng hóa như bánh, kẹo, sữa, đường, mắm, muối… mà cửa hàng tôi lấy vào, bán ra đều rất ổn định. Khi giá xăng dầu tăng cao, chúng tôi nhập hàng giá vẫn thế, khi xăng dầu giảm, giá cũng không thay đổi.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Quản lý Giá (Sở Tài chính) cho biết: Trong năm 2014, giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng 6 lần với mức tăng 1.840 đồng và điều chỉnh giảm 18 lần với mức giảm 7.760 đồng. Với mức tăng, giảm này, bình quân 1 lít xăng trong năm có giá là 23.726 đồng. Sau lần giảm ngày 22-12, hiện giá xăng giảm 24,7% so với bình quân trong năm. Còn giá dầu với 4 lần tăng, 20 lần giảm, giá hiện tại so với giá bình quân trong năm (21.487 đồng/lít) giảm 21%. Với mức giảm này của xăng, dầu, giá cước vận tải đối với loại xe chạy dầu có thể giảm tương ứng là 7,35%/doanh thu, còn với xe chạy xăng là 8,35%/doanh thu. Nói cách khác, giá cước vận tải có thể giảm trên dưới 10% là hợp lý.

 

Được biết, ngay từ cuối tháng 11, sau khi giá xăng, dầu giảm được trên dưới 5 nghìn đồng/lít so với lúc đỉnh điểm, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh là Sở Tài chính và Sở Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký, kê khai lại giá cước cho phù hợp, đồng thời tiến hành kiểm tra việc đăng ký, kê khai và thực hiện giá cước mới đối với một số DN. Thêm đợt giảm giá mạnh xăng dầu gần đây, các ngành này sẽ tiếp tục yêu cầu các DN tính toán để đăng ký, kê khai lại; đồng thời sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý để việc đăng ký, kê khai lại của các DN được thực hiện trên thực tế… Hy vọng, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng sẽ thực sự được hưởng lợi từ giá cước vận tải cũng như giá các loại hàng hóa khác.