Khai thác thế mạnh lâm nghiệp ở Phúc Lương

08:30, 11/11/2015

Xã Phúc Lương (Đại Từ) có trên 1.300ha rừng, trong đó hơn 1.200ha là rừng sản xuất, chiếm gần 65% tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp. Để phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, những năm qua, xã quan tâm hỗ trợ người dân trồng rừng, quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến lâm sản và khuyến khích phát triển chăn nuôi dưới tán rừng.

Về xóm Cây Hồng, xã Phúc Lương một ngày đầu tháng 11, chúng tôi thấy nằm dưới tán rừng xanh mát có nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mới xây khang trang. Một số gia đình trong xóm đang khai thác gỗ, tiếng máy cưa xẻ rộn rã. Ông Lý Văn Diễn, một người dân trong xóm phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 5ha rừng keo, cuối năm 2014 đã khai thác tỉa 2ha, thu được gần 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ rừng mà gia đình tôi đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và nuôi các con ăn học…

 

Cây Hồng là một trong những xóm có diện tích rừng lớn nhất ở xã Phúc Lương, với khoảng 300ha rừng sản xuất. Cả 76 hộ dân trong xóm nhà nào cũng có rừng. Những năm qua, nhận thức được nguồn lợi từ rừng, bà con đã tích cực trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cùng với đó, nhiều gia đình mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng số lượng đàn trâu, dê, gà thả đồi. Ông Đào Văn Tân, Trưởng xóm Cây Hồng cho biết: Toàn xóm có khoảng 20 hộ nuôi dê, hơn 10 hộ nuôi lợn, gà, trâu theo hướng gia trại. Hiện nay, tổng đàn dê của xóm khoảng 300 con, tăng hơn 200 con so với năm 2010. Nhờ khai thác thế mạnh từ đất rừng, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo chỉ còn 28 hộ, giảm 20 hộ so với năm 2011.

 

Cũng giống như xóm Cây Hồng, cuộc sống của phần lớn người dân ở xã Phúc Lương đang dần khấm khá nhờ khai thác thế mạnh từ rừng. Ông Đào Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do địa hình nhiều đồi núi, diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp nên nhiều năm qua xã luôn coi phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện tốt chỉ tiêu trồng rừng, hàng năm, xã tập trung rà soát, hướng dẫn người dân sớm đăng ký diện tích rừng trồng mới. Trước mỗi vụ trồng rừng, xã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, chăm sóc, vận động người dân phát dọn thực bì, chuẩn bị tốt cây giống, phân bón để trồng rừng đạt hiệu quả cao nhất. Phúc Lương luôn là một trong những xã đứng đầu huyện về diện tích trồng rừng. Như năm 2015, xã đã phối hợp cấp 132.800 cây giống, 13.280kg phân bón, trồng được 80ha rừng keo. Nhân dân tự đầu tư trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán ước tính khoảng 35ha.

 

Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên quan tâm công tác quản lý rừng. Hằng năm, xã đều xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng của xã và 17/17 tổ ở xóm, thường xuyên tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở. Nhờ tích cực quan tâm mà nhiều năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng. Năm 2015, xã cũng phối hợp bắt giữ, xử lý 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài ra, xã cũng khuyến khích người dân chế biến lâm sản tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có hơn 10 cơ sở chế biến lâm sản với các loại hình như: bóc, xẻ, băm gỗ, chế tác đồ mỹ nghệ, gia dụng. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển loại hình sản xuất này, xã đã tích cực kết nối các nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến công, giảm nghèo hỗ trợ người dân.

 

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, xã Phúc Lương vẫn trăn trở trong việc nâng cao giá trị của rừng. Do trồng rừng sản xuất có chu kỳ 7 năm, chế biến thô sơ nên giá trị sản phẩm mới chỉ đạt 80 đến 100 triệu đồng/ha. Người dân vẫn chủ yếu chọn keo để trồng rừng sản xuất, sau đó khai thác trắng rừng gây nguy cơ sói mòn, giảm dinh dưỡng trong đất. Các cơ sở chế biến lâm sản vẫn ở dạng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ chưa có các cơ sở chế biến lâm sản kỹ thuật cao. Ông Đào Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Lương cho biết: Về phát triển kinh tế rừng, trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền để người dân đa dạng cơ cấu loài và giống cây lâm nghiệp có năng suất cao, tạo điều kiện để nhân rộng các mô hình sản xuất dưới tán rừng, triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư chế biến lâm sản kỹ thuật cao đến với địa phương…