Đầu ra bấp bênh - Bài toán khó cho sản phẩm rau an toàn

17:15, 10/05/2016

Với 1ha đất cấy lúa 2 vụ người dân xã Nhã Lộng (Phú Bình) có thể chuyển đổi sang trồng rau an toàn (rau sạch) đạt giá trị gần 60 triệu đồng, thu lãi gấp 2 lần cấy lúa. Hiệu quả kinh tế là vậy, nhưng khi mở rộng sản xuất, sản phẩm rau sạch của địa phương vẫn bấp bênh chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Hiệu quả từ bài toán kinh tế an toàn thực phẩm

 

Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Nhã Lộng được hình thành từ năm 2011 thuộc Đề án Xây dựng vùng sản xuất rau tập trung của huyện Phú Bình với 30 hộ tham gia, tập trung ở 2 xóm Náng và xóm Đô. HTX đã vận động bà con chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng rau; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình an toàn từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Năm 2010, diện tích trồng rau của toàn xã là 2,3 ha, thì đến nay đã chuyển đổi thành công 5,7 ha cấy lúa 2 vụ sang trồng rau sạch với các loại rau muống, cải, bầu, bí, mướp, rau dền, mồng tơi, hành và các loại rau thơm. Các hộ đã thực hiện trồng rau sạch theo đúng quy trình: Dùng nguồn nước sạch; chỉ dùng phân chuồng đã hoai mục và các chế phẩm Enzim, phân hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật vi sinh. Đặc biệt, khi có sâu bệnh thì thực hiện bắt sâu bằng phương pháp thủ công. Nhờ vậy, những ruộng rau sạch phát triển tốt, năng suất cao. Theo tính toán của người dân, nếu trồng lúa, mỗi năm, người dân chỉ thu về khoảng 35-40 triệu đồng/1 ha, thì trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn có thể thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha/năm.

 

Đến vùng trồng rau sạch Nhã Lộng vào những ngày tháng 5 này, dễ dàng thấy được bạt ngàn các loại rau rền, mồng tơi, muống, bí, mướp, hành, thơm. Cẩn thận buộc từng ngọn bí xanh trên giàn, bà Nguyễn Thi Hậu, xóm Náng chia sẻ: Từ khi có chương trình của HTX, nhà tôi đã chuyển đổi 4 sào ruộng cấy lúa sang trồng rau, trước đây, cấy lúa chỉ được 2-3 triệu đồng/sào nhưng từ khi trồng rau, tôi thu được khoảng 5-6 triệu đồng/sào”. Cũng như gia đình bà Hậu, gia đình ông Nguyễn Văn Ứng là một hộ tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao từ trồng rau, ông cho biết: Mỗi vụ bí xanh tôi thu được 1,5 tấn/sào, được khoảng 6-7 triệu đồng. Vụ cà chua vừa rồi, mỗi ngày tôi hái được 1 tạ, mang ra chợ đầu mối đổ buôn cũng được 700-800 ngàn đồng/ngày. Với tổng diện tích 5 sào sau khi trừ chi phí, ông thu được khoảng 60-70 triệu/ năm. Ông chia sẻ: “Thời gian chưa được hướng dẫn về quy trình an toàn, tôi chỉ gieo trồng theo cách truyền thống nên hay bị sâu bệnh, khi trồng bí đỏ chỉ được khoảng 7-8 tạ/sào, nhưng từ khi sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh theo đúng quy trình, mỗi vụ bí cũng được 1,5 tấn/sào, hiệu quả gần như gấp đôi”. Sản xuất rau sạch ở Nhã Lộng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà môi trường cũng được cải thiện.

 

Đầu ra chưa ổn định

 

Mặc dù chất lượng sản phẩm rau, quả được nâng lên nhưng rau sạch ở Nhã Lộng vẫn chưa được nhiều người biết đến, nguyên nhân là do chưa có đầu ra ổn định. Ông Ứng cho biết: “Vụ hành lá vừa rồi, có thời điểm giá khoảng 20 nghìn đồng/kg, nhưng có khi giá chỉ được 8-10 nghìn/kg, nhiều khi hành dư thừa phải nhổ bỏ vì không có ai thu mua”. Ông cũng giải thích: “Rau sạch thân, lá thường ngắn, không bóng mượt, thường có lỗ do sâu gây ra nên rất khó bán. Cà chua sạch thường chín không đồng màu nên người mua vẫn chọn những loại cà chua đã qua ủ, giấm vì quả chín đỏ, mọng và đẹp hơn”. Đây chính là lý do khiến cho rau sạch thường được mua với giá thấp. Ông Nguyễn Văn Thịnh (xóm Náng) buồn bã nói: “Chúng tôi vẫn phải tiêu thụ rau củ theo cách cũ là chở rau đi giao bán tại chợ đầu mối và TP. Thái Nguyên. Giá cả đều phụ thuộc vào người thu mua và giá bán không cao. Nếu như rau muống thường bán được 4.000-6.000 đồng/kg thì rau muống an toàn cũng chỉ có giá ngang bằng. Cũng có khi, chở cả xe rau thơm, hành ra chợ lại phải bán “phá giá” để không phải mang về”.

 

Anh Nguyễn Thị Do (xóm Náng) cho biết: “HTX rau sạch chúng tôi đã liên hệ với nhiều nơi tìm phương án tiêu thụ lâu dài, nhưng họ lại đặt ra nhiều yêu cầu về loại rau trong khi các loại rau hầu như đều được gieo cấy theo mùa nên chưa thể ký hợp đồng, cũng có một số cơ sở kinh doanh rau muốn nhập hàng lâu dài nhưng lại trả giá quá thấp với lý do rau sạch “xấu mã” hơn rau thường”.

 

Trước thực tế “cơn bão” thực phẩm bẩn đang ngày càng trở nên nhức nhối, sản xuất rau sạch là một trong những mô hình thiết thực cần được nhân rộng hơn nữa để mang đến sự yên tâm về chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng. Để đạt được điều đó, rất cần nhiều hơn nữa những chính sách quan tâm từ các cấp chính quyền với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa rau sạch trở thành nhãn hiệu được nhiều người tin dùng.