Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả

08:14, 10/05/2016

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bởi vậy, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Tiến (Định Hóa) đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp đỡ chị em, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế để giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Hiện nay, xã Phú Tiến có khoảng 730 chị em, hội viên phụ nữ trong đó phần lớn các chị đều tham gia sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Xuất phát từ nhu cầu đó, trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Phú Tiến phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận ủy thác nguồn vốn cho các hội viên phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 4 tỷ đồng, giúp 177 chị em vay vốn để phát triển sản xuất. Cùng với đó, Hội cũng đã chỉ đạo các chi hội vận động hội viên phụ nữ xây dựng quỹ tiết kiệm tại 10/10 chi hội với tổng số trên 100 triệu đồng, giúp cho 89 chị em vay. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Phú Tiến còn thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên bằng việc mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Theo đó, 5 năm qua, Hội đã phối hợp với các phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan tổ chức được 25 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho 1.032 lượt hội viên phụ nữ tham gia.

 

Chị Nguyễn Thị Hồng, hội viên phụ nữ thôn 7 cho biết: Năm 2013, sau khi tham khảo ở nhiều xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình các chị ở trong và ngoài xã, tôi với bàn với chồng vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua Hội LHPN xã (cộng với số tiền vay từ anh em, bạn bè) để mua máy móc mở xưởng sản xuất gỗ bóc. Công việc làm ăn của vợ chồng tôi gặp nhiều thuận lợi nên thu nhập của gia đình từng bước được ổn định. Đến cuối năm 2014, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện nay, gia đình đã có 2 xưởng sản xuất ván bóc tại thôn 7 và thôn 6, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc được tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng, tôi cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Chi hội Phụ nữ. Điều này đã giúp tôi thêm tự tin tập trung vào sản xuất, kinh doanh...

 

Để chị em có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm sản xuất lẫn nhau, Hội LHPN xã còn chú trọng xây dựng các mô hình phụ nữ làm kinh tế theo nhóm sở thích như: nhóm nuôi ong, nuôi cá, nuôi gà ri  mía, sản xuất nấm, chăn nuôi dê, lợn sinh sản, lợn thịt... Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của gia đình chị Đặng Thị Châm, hội viên Hội Phụ nữ thôn 5, xã Phú Tiến. Mặc dù đã vào cuối vụ nhưng gia đình chị Châm vẫn duy trì trên 1 vạn bịch nấm sò và linh chi. Mỗi ngày, gia đình chị thu hái được khoảng 25kg nấm sò/ngày, bán với giá bán buôn là 30 nghìn đồng/kg. Chị Châm cho biết: Đây là mô hình được gia đình triển khai trồng từ năm 2011 thông qua sự hỗ trợ của Dự án "Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác". Tham gia thực hiện mô hình này, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm, được hỗ trợ giống, kinh phí xây lò hấp. Hiện nay, tôi là 1 trong 4 thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất nấm ở xã Phú Tiến. Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất được khoảng 7-8 tấn nấm, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình từng bước được ổn định, vợ chồng tôi đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền...

 

Không riêng gì chị Đặng Thị Châm, nhiều chị em, hội viên phụ nữ khác ở Phú Tiến cũng đã thành công với các mô hình phát triển kinh tế do Hội LHPN xã triển khai, điển hình như các chị: Nguyễn Thị Thinh (thôn 4), Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Thị Khánh, Nguyễn Thị Lý (thôn 6), Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt (thôn 7)... Chị Nguyễn Thị Bình (thôn 7) cho biết: Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã về tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và vay vốn sản xuất, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư tập trung nuôi cá ao. Sau thành công của năm đầu tiên, gia đình tiếp tục cải tạo lại ao, mạnh dạn nuôi với số lượng cá lớn hơn. Hiện nay, gia đình đang có tổng diện tích ao nuôi cá vào khoảng 3.000m2, thu được khoảng 1,4 đến 1,5 tấn cá (gồm Trắm, chép, trôi, mè), thu lãi trên 70 triệu đồng/năm.

 

Chị Nguyễn Thị Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Tiến cho biết: Có thể nói, từ các hoạt động thiết thực của Hội đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của xã. Đặc biệt, qua việc tham gia vào mô hình phụ nữ làm kinh tế theo nhóm sở thích, chị em đã có điều kiện được quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong phát triển sản xuất. Tổng thu nhập của các hộ từ 50 đến 200 triệu đồng/năm ngày càng tăng lên, điển hình như các chị: Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Kỳ (thôn 7), Nguyễn Thị Thanh (thôn 2), Nông Thị Tuyến, Nguyễn Thị Truyển, Đặng Thị Châm (thôn 5), Nguyễn Thị Huyền (thôn 8)...