Dồn sức thực hiện các tiêu chí khó

10:24, 17/10/2016

Từ một địa phương thuần nông có xuất phát điểm thấp, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là trong điều kiện hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, xã đã linh hoạt huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện các tiêu chí của Chương trình.

Về Tân Phú những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của người dân thi công đường giao thông. Xã đang cùng lúc thực hiện 2 tuyến đường bê tông là: Đê Hương Đình đi cống chui cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và từ đê Chã đi thôn Phú Cốc, với tổng chiều dài gần 2km, bề rộng mặt đường 5m. Chị Ngô Thị Lan, Trưởng xóm Hương Đình vui vẻ thông tin: Tuyến đường có chiều dài 900m, thực hiện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân đối ứng 20%. Tính ra, 92 hộ dân trong xóm phải đóng góp số tiền gần 400 triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn thì đây là một khoản tiền lớn. Do vậy, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ máy móc san gạt mặt bằng và cát sỏi, con em đi làm ăn xa ủng hộ một phần kinh phí. Do vậy, sau khi hạch toán mỗi hộ chỉ còn phải đối ứng từ 300-500 nghìn đồng (tuỳ khu vực). Đỡ được gánh nặng đóng góp, người dân rất phấn khởi, chủ động phá dỡ tường rào và hiến gần 2.000m2 đất thổ cư để tạo mặt bằng thi công.

 

Ông Trần Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Tân Phú nhẩm tính: Từ đầu năm tới nay, Tân Phú đã làm được gần 11km đường bê tông, cơ bản đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Bên cạnh nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã còn huy động 5 doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn ủng hộ vật liệu và máy móc để thi công, tổng giá trị hơn 700 triệu đồng. Người dân cũng hiến hơn 5.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động.

 

Việc huy động được nhiều nguồn lực cũng giúp xã Tân Phú hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá. Theo thống kê, hết năm 2015 cả xã mới có 4/11 nhà văn hoá xóm, tất cả đều không đạt chuẩn và đã xuống cấp. Muốn hoàn thành tiêu chí này, xã phải xây mới 7 nhà và sửa chữa 4 nhà. Nếu chỉ trông vào hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ khó thực hiện được, nên phải vận dụng nhiều nguồn lực khác. Việc xây dựng nhà văn hoá ở xóm Tiến Bộ là một ví dụ. Ông Ngô Văn Hùng, Trưởng xóm Tiến Bộ phấn khởi nói: Chúng tôi vừa khánh thành nhà văn hoá 1 tháng nay, diện tích xây dựng gần 200m2. Công trình được tỉnh và thị xã hỗ trợ 140 triệu đồng, còn lại xóm phải bố trí. Chúng tôi đã họp và thống nhất mỗi hộ chỉ đóng góp 300 nghìn (tổng cộng được 35 triệu đồng), còn lại kêu doanh nghiệp và con em địa phương có điều kiện kinh tế giúp đỡ. Huy động được bao nhiêu sẽ làm nhà từng đó. Không ngờ, đã có rất nhiều người ủng hộ, ít thì vài trăm nghìn đồng, nhiều đến vài chục triệu đồng. Cá biệt như ông Lê Hồng Phúc ủng hộ đến 50 triệu đồng. Hai gia đình ông Lê Văn Sơn và bà Trần Thị Ngân tự nguyện hiến hơn 100m2 đất thổ cư để mở rộng khuôn viên. Nhờ vậy, công trình được xây dựng khang trang với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng.

 

Theo báo cáo của UBND xã Tân Phú, đến thời điểm này xã đã hoàn thành xây mới 4 nhà văn hoá và sửa chữa 4 nhà, 3 công trình còn lại đang trình thi công. Về tiêu chí môi trường, xã đã xây mới 11 bể chứa rác thải sinh hoạt tập trung (diện tích từ 20-25m2) tại tất cả các xóm. Đồng thời ký kết hợp đồng với HTX môi trường Trung Thành thu gom và xử lý theo quy định. Ông Ngô Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Môi trường được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện, tuy nhiên chúng tôi có thuận lợi là ý thức thực thực hiện rất tốt của người dân. Hiện nay, các gia đình đều có thùng chứa rác thải sinh hoạt tại nhà, rồi đưa ra tập kết tại khu vực tập trung của xóm. Mỗi nhân khẩu đống góp 4 nghìn đồng/tháng để thuê đơn vị chuyên môn thu gom và xử lý.

 

Cùng với tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, xã Tân Phú tiếp tục triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó có thể kể đến các mô hình hiệu quả như: Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm tại thôn Phú Cốc với 60 tổ viên, tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm; mô hình canh tác lúa thuần chất lượng cao Thiên ưu 8 với diện tích 21ha tại thôn Vân Trai; Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ tại xóm 10, thôn Tảo Định; liên kết với doanh nghiệp trồng cây ngô phục vụ chăn nuôi bò với diện tích hơn 20ha… Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đã đạt gần 30 triệu đồng/năm (cao hơn 14 triệu đồng so với năm 2013), tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%. Ông Trần Văn Phái cho biết: Đến nay, xã đã cơ bản đạt 3 tiêu chí được đánh giá khó nhất là giao thông, cơ sở vật chất văn hoá và môi trường, để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thời gian tới xã tiếp tục ưu tiên triển khai các mô hình sản xuất mới giúp bà con cải thiện thu nhập. Từ đó có thêm nguồn lực để cũng cố các tiêu chí của Chương trình.