Sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính chất quy mô hộ gia đình; vấn đề sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến chất lượng nông sản chưa cao; thiếu sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm... là những bất cập trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta lâu nay. Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã và đang triển khai các hoạt động khâu nối nhằm giúp bà con nông dân tham gia vào thị trường lớn.
Có mặt tại buổi thành lập Nhóm sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo Bao thai Làng Lợi, xã Phượng Tiến (Định Hóa), chúng tôi được chứng kiến các hội viên tham gia thảo luận rất sôi nổi. Ai nấy đều hào hứng vì được tiếp cận cách làm mới với mong muốn sản phẩm gạo bao thai sẽ được tiêu thụ ổn định, được giá. Chị Lương Thị Thúy, ở xóm Pa Chò chia sẻ: Vụ mùa trước, lúa nhà tôi tốt lắm, đã cầm chắc phần thắng trong tay vậy nhưng chỉ sau 1 trận mưa, lúa đổ rạp, gạo khi sát ra bị thâm, khách hàng chê, giá bán giảm 20%. Được mùa mà cũng chẳng thấy vui. Còn bà Hoàng Thị Đủ, ở xóm Nạ Liền thì cho biết: Lúa gạo bao thai và lúa nếp cái hoa vàng của chúng tôi thơm ngon nổi tiếng. Từ cây lúa, chúng tôi có thể làm ra nhiều sản phẩm khác như: Cốm, mỳ gạo, rượu... Từ trước tới giờ, chủ yếu chúng tôi đem hàng hóa ra chợ xã bán, giá cả bấp bênh. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn có nơi tiêu thụ ổn định để yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
Mong muốn của chị Thúy, chị Đủ cũng là mong muốn của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, từ tháng 8-2016, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với UBND các xã và bà con nông dân thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đó là: Nhóm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nếp Thầu Dầu, xã Úc Kỳ (Phú Bình); Nhóm sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo Bao thai Làng Lợi, xã Phượng Tiến (Định Hóa) và Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, xã Ôn Lương (Phú Lương) với tổng diện tích hơn 60ha, có trên 100 hộ dân tham gia. Mặc dù mới được thành lập nhưng các nhóm này được kỳ vọng sẽ là những mô hình đầu tiên trong việc định hướng người dân tham gia vào sản xuất hàng hóa tập trung; trong đó có sự tham gia của "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật chia sẻ: Nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, nông dân, tôi nhận ra một điều, từ trước tới giờ, chúng ta mới chỉ quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giá nhằm vận động người dân đưa các giống mới có năng suất vào gieo trồng chứ chưa quan tâm đến khâu bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Vì thế, người nông dân thường rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá và ngược lại mất mùa thì được giá. Từ trăn trở đó, Chi cục đã nảy ra ý tưởng phối hợp với các cơ quan chuyên môn vận động người dân tham gia tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trước khi vận động thành lập nhóm, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Tại buổi Hội thảo tìm kiếm cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạo địa phương được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Phạm Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: Việc hợp tác với người nông dân để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ là nguyện vọng của bà con mà còn là mục tiêu của doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp có liên kết được với bà con nông dân thì mới có nguyên liệu sản xuất ổn định. Hiện nay, người nông dân chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy rất hạn chế trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều vì không áp dụng đồng bộ từ các khâu xuống giống, chăm sóc, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Về phía Công ty, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bà con trong việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để hướng tới sản xuất lúa an toàn và cam kết có thể thu mua hàng trăm nghìn tấn thóc/năm cho bà con.
Đại diện các tổ hợp tác và một số doanh nghiệp sau khi được tiếp xúc, trao đổi thông tin đã từng bước nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của nhau nhằm cùng tìm ra tiếng nói chung, hướng tới ký kết bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với nông dân nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu thụ nông sản cho bà con.
Có thể thấy, việc thành lập được các tổ hợp tác và có một số doanh nghiệp đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Bởi, thực tế nhiều chương trình, dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm triển khai trên địa bàn tỉnh trước đó đã không đạt được kết quả như mong muốn, nguyên nhân được cho là do xuất phát từ lợi ích trước mắt của cả 2 phía người dân và doanh nghiệp. Người dân khi thấy giá cả thị trường cao hơn giá hợp đồng ký kết thì đã tự ý phá vỡ cam kết, không tuân thủ đúng theo các quy trình kỹ thuật do phía doanh nghiệp đưa ra. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đã không quan tâm chia sẻ khó khăn với người nông dân khi sản xuất gặp ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì vậy, để sự hợp tác này mang lại hiệu quả thì cả doanh nghiệp và người dân phải nêu cao được trách nhiệm trong việc thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng phá vỡ hợp đồng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, không vì chạy theo lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng. Cùng với đó, tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Có như vậy mới tạo được sự liên kết bền vững giữa người nông dân và doanh nghiệp.